Hành trình 20 năm tạo dựng thương hiệu TONINNI caffe, khát vọng khẳng định vị thế, giá trị cà phê Việt.
Ngày đăng: 21/06/2020 - 00:00:00
BBT xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà báo Đan Quỳnh, BTV đài VTC 10 về doanh nhân Nguyễn Kim Sơn, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc.
Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc.
Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn đã dành gần một phần tư thế kỷ với bao trí lực, tiền bạc để thực hiện một sứ mệnh: “Làm sao để bà con nông dân bớt khổ, làm sao để nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam, sao cho những hạt cà phê ngon nhất, sạch nhất đến được với người tiêu dùng Việt Nam một cách chân thành và thiết thực nhất. Để mỗi sáng thức dậy những giọt cà phê chạm lên môi mỗi người tràn đầy ngọt ngào và tinh tế.
TONINNI caffe đã ra đời như vậy - nó mang theo một tình yêu chung thủy với cộng đồng.
Mối duyên với cà phê
Hà Nội vào thu, những cơn gió trong trẻo vờn qua từng kẽ lá. Nắng nhẹ xiên qua ô cửa nhỏ đưa bước chân thực khách lên quán cà phê Toninni nằm trên gác 2 của một căn nhà cổ. Bước vào quán một mùi hương đặc biệt, gần gũi, thân quen đánh thức vị giác. Tiếng máy pha cà phê rè rè lẫn trong tiếng phố tạo cho người ta cảm xúc hoài niệm. Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn – người sáng lập nên thương hiệu cà phê Toninni có dịp trải lòng về những thăng trầm cùng hạt cà phê.
Khi được hỏi “ Nông sản Việt Nam rất đa dạng, tại sao ông không chọn một sản phẩm khác để kinh doanh mà lại là cà phê ?”. Ông tâm sự : Năm 1997, tôi đại diện Công ty Sigma Engineering của CH Séc tháp tùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam đi thăm, làm việc và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chuyến đi đã để trong tôi một ký ức không thể nào quên, cùng với sự tự hào về đất nước, con người Việt Nam ta, là những nhiều điều trăn trở, day dứt...". Nói đến đây ông Sơn nhấp một ngụm cà phê và kể tiếp :
Chúng tôi qua các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi tới Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, qua Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng và vào Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh. Ấn tượng mạnh mẽ và nhiều trăn trở nhất trong tôi đó là đất và người 3 tỉnh cao nguyên của Việt Nam. Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, nơi đây thiên nhiên đã ban tặng cho những sản vật đặc trưng không phải nơi nào cũng có được, từ cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đến hoa và cây trái... Tôi nhìn và nghĩ, nguồn lực của giàu có là đây, con người cần cù, chịu khó, biết tận dụng, khai thác, phát triển những sản vật do thiên nhiên ban tặng, vậy tại sao cảnh nghèo vẫn còn đeo bám. Sản vật quý hiếm, có giá trị sao vẫn vắng mặt trên thị trường thế giới. Riêng với cà phê, tìm hiểu ra thì vỡ lẽ, những năm này cà phê của Việt Nam xuất khẩu, bán cho các đối tác nước ngoài chỉ với 500USD/ tấn. Trong khi đó, tại châu Âu giá cà phê đã chế biến rang xay có mức giá trung bình 15USD/kg, nghĩa là 15.000 USD/tấn! Một sự chênh lệch quá lớn, giá trị sức lao động, giá trị sản phẩm của người Việt được định giá quá thấp. Vấn đề mấu chốt nằm ở đâu? Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Ai sẽ là người cân bằng sự chênh lệch này? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong tôi. Tôi day dứt, suy nghĩ hàng đêm. Tôi vốn là người thích uống cà phê, được trải nghiệm các đồ uống từ cà phê tại thị trường châu Âu với rất nhiều hương vị, nay tôi lại cảm nhận, người trồng cà phê Việt Nam đang nhấm "vị đắng" vốn có của chính hạt cà phê do tay mình trồng. Ở châu Âu, người ta đang hưởng vị ngọt từ chính những hạt cà phê được trồng trên mảnh đất Việt Nam. Những công ty kinh doanh, chế biến cà phê tại châu Âu đã kiếm được hàng tỷ đô la từ chính những hạt cà phê đó.
Nhấp vị đắng cùng người trồng cà phê
Đồng cảm, day dứt với những nỗi nhọc nhằn, vất vả của người nông dân trồng cà phê. Ông Sơn chia sẻ, sau chuyến đi, ông như thấy chính mình đang nhấm "vị đắng" cùng với người trồng cà phê Việt Nam. Từ suy nghĩ, trăn trở đến hành động "phải làm gì đó để khẳng định giá trị, vị thế cà phê Việt", ông Sơn tìm hiểu và bắt tay vào kinh doanh cà phê. Bước khởi đầu, ông nhập khẩu 1-2 container cà phê xanh và tất nhiên phải qua rất nhiều các thủ tục giấy tờ. Cuối cùng mới được nhập khẩu và xếp vào kho thuê tại Praha - Thủ đô Cộng hòa Séc.
Ông Sơn nhớ lại: Tôi đã lên danh sách toàn bộ những công ty và tư nhân rang, xay cà phê tại Séc để đến chào và bán hàng. Tuy nhiên, mỗi lần giao hàng xong đến lấy tiền và giao hàng mới thì những khách hàng lại nhăn nhó lấy cớ cà phê lẫn nhiều tạp chất để hạ giá thành, rồi trừ tiền. Kinh doanh hàng trăm tấn cà phê mà tính đi tính lại trừ hết các chi phí chỉ lãi có 500USD/container (19,2 tấn - 320 bao). Lại đi tìm lý do, thời gian này cà phê tại Việt Nam được chế biến rất thô sơ, đơn giản người nông dân phơi cả hạt cà phê ra đường quốc lộ, rồi cứ thế thu gom, đóng bao nên trong bao cà phê còn lẫn rất nhiều tạp chất, đá sỏi, kể cả mảnh đạn... Sau một thời gian bán hàng cho các công ty tại Séc, dần dần tôi tìm hiểu, học hỏi các khách hàng và quyết định cho ra đời nhãn hiệu cà phê rang xay - nhãn hiệu DAKLAK CAFFE đã ra đời từ đó. Điều may mắn là tôi đã được chủ hãng cà phê tư nhân Majkafe dạy cách rang và gia công hàng cho công ty. Thời kỳ đầu cực kỳ gian nan vất vả vì nhãn hiệu Daklak Caffe còn rất mới tại thị trường Séc và châu Âu. Kinh nghiệm từ những lần bị ép giá, đã giúp tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng, dần dần sản phẩm đã được chấp nhận và đưa vào tiêu thụ tại các quán bar, nhà hàng của các chợ Việt Nam ở Praha, Cheb và Brno. Một số quán bar của người Séc, đặc biệt chuỗi siêu thị NORMA đã đưa sản phẩm Daklak Caffe vào trong các cửa hàng của hệ thống toàn Cộng hòa Séc. Lúc này sản phẩm của công ty tôi đã rất phong phú: Riêng cà phê hạt rang và xay đã có 3 loại: Classic, EMOTION và Royal; Cà phê hoà tan đóng lọ 100g.
Trận lụt lịch sử và “trạm dừng chân” của DAKLAK CAFFE
Từ sự thành công trên, với bản thân là một người thích tìm tòi sáng tạo và đam mê công nghệ, Ông Sơn nhận thấy phải đổi mới, phải đầu tư công nghệ vào sản phẩm, nên đã quyết định mua lại một xưởng cà phê tại Thành phố Lovosice với máy rang nhãn hiệu PROBAT nổi tiếng thế giới của Đức, sản phẩm đã thực sự được nâng tầm. Nhưng thành công mới chớm thì rủi ro ập đến. Năm 2002, tại Séc diễn ra trận lụt lịch sử, 500 năm mới có. Lũ lụt dâng cao nhấn chìm toàn bộ nhà máy cà phê trong nước, ống khói của máy rang cao hơn 10m chìm trong nước, chỉ nhô lên 50cm. Ông Sơn nhớ lại đầy tiếc nuối : Lúc ấy, tôi cảm thấy thất vọng tràn trề, trái tim như tan nát. Mặc dù bị thiệt hại như vậy công ty tôi vẫn chắt chiu gửi hàng cứu trợ cho những người dân bị thiệt hại do lũ lụt hưởng ứng theo lời kêu gọi của Hội chữ thập đỏ Cộng hòa Séc. Tôi tự nhủ, con đường của Daklak Caffe đang trắc trở, đành tạm rẽ vào "trạm dừng chân".
Ai ơi nhấp ngụm cà phê, thơm ngon một giọt trăm bề đắng cay.
Thời gian sau đó, ông Nguyễn Kim Sơn tập trung vào sự nghiệp của Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat và trở về Việt Nam với sự thành công trong lĩnh vực đóng tàu bằng vật liệu mới PPC. Nhưng nỗi niềm với cà phê Việt, khát vọng mang đến cho thị trường Việt Nam và thế giới nguồn cà phê rang chất lượng không lúc nào nguôi, luôn thường trực trong tâm trí ông, như chính những con tàu mà ông và đồng nghiệp đã hạ thủy chỉ chờ lệnh lướt sóng.
Nâng tầm hạt cà phê Việt
Sau rất nhiều trăn trở, một chiến lược mới được thực thi. Thương hiệu TONINNI Caffe đã được doanh nhân Nguyễn Kim Sơn sáng lập để viết tiếp hành trình cho Daklak Caffe.
Áp dụng công nghệ rang củi hiện đại hàng đầu của Ý (Trabatoni là thương hiệu sản xuất máy rang cà phê bằng củi có 110 năm kinh nghiệm).Với đội ngũ các chuyên gia đến từ Ý và Séc yêu cà phê Việt, nghệ nhân hàng đầu được lĩnh hội những kỹ thuật rang xay tiên tiến, tinh tế nhất và một tình yêu, tâm huyết với cà phê. Toninni đã tạo nên những dòng cà phê với những hương vị đặc sắc như Hà Nội Style, Sài Gòn style, Classic, Italian style, Aroma, …mang hương vị tinh tế của cà phê truyền thống thưởng thức theo gu hiện đại của Ý, có thể đáp ứng nhu cầu đông đảo của khách hàng yêu thích cà phê trong và ngoài nước.
Khi những mắt hoa cà phê đang li ti hé nụ trắng muốt trên đại ngàn, TONINNI đã có những chuyến hàng xuất khẩu sang các bên kia bán cầu, đem theo sự tự hào của người doanh nhân trí lớn. Những hạt cà phê bóng đều, chắc mẩy chinh phục những khách hàng khó tính nhất bên trời Âu. Sản phẩm được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đến nay cà phê thương hiệu TONINNI đã chinh phục được những thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản… Chi nhánh kinh doanh ở Đức, Séc cùng với hệ thống phân phối đang được mở rộng khắp Việt Nam
Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện của đời mình qua thương hiệu TONINNI Caffe; trong 03 năm tới sẽ đưa TONINNI Caffe trở thành thương hiệu quốc gia, xuất hiện ở những thị trường khó tính nhất toàn cầu, đồng thời sẽ giới thiệu đến cộng đồng quốc tế các tác phẩm hội họa về đất nước, con người Việt Nam thông qua bao bì cà phê.
Tình yêu và sứ mệnh
Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn đã dành gần một phần tư thế kỷ với bao trí lực, tiền bạc để thực hiện một sứ mệnh: “Làm sao để bà con nông dân bớt khổ, làm sao để nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam, sao cho những hạt cà phê ngon nhất, sạch nhất đến được với người tiêu dùng Việt Nam một cách chân thành và thiết thực nhất. Để mỗi sáng thức dậy những giọt cà phê chạm lên môi mỗi người tràn đầy ngọt ngào và tinh tế.
TONINNI caffe đã ra đời như vậy - nó mang theo một tình yêu chung thủy với cộng đồng.
Chỉ mất 30 phút để thưởng thức một ly cà phê nhưng người trồng cà phê mất đến 3 năm để cây cà phê ra quả, còn doanh nhân Nguyễn Kim Sơn đã mất hơn 20 năm để nếm “vị đắng” của cà phê Việt cùng bà con nông dân bởi ông tâm niệm: “Cho dù tiếp tục phải uống những giọt cà phê đắng nhưng tôi vẫn không nản lòng vì dư vị ngọt ngào của nó. Chúng tôi đã đặt hết những tiềm thức về con người, lịch sử, giá trị thực của cà phê vào thương hiệu TONINNI bởi tôi có một tình yêu mãnh liệt và sứ mệnh cao cả đang ẩn chứa trong từng hạt cà phê ngạt ngào thơm ngậy…”
Hà Nội – 18/08/2019
(bài viết là câu chuyện tự sự về hành trình 20 năm của Nhà sáng lập thương hiệu TONINNI CAFFE - Doanh nhân Nguyễn Kim Sơn)
Tác giả : Nhà báo - Đan Quỳnh BTV. VTC10
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)