Tin mới
Khám phá thế giới tre xanh

Ngày đăng: 29/03/2010 - 09:24:10

Tọa lạc tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km, với tổng diện tích 10ha, làng tre Phú An như một thiên đường xanh tuyệt vời. Làng tre vừa là nơi để sinh viên học tập nghiên cứu vừa là điểm du lịch sinh thái lý thú của tỉnh Bình Dương.


Để đến làng tre, bạn có thể đi bằng xe máy, theo quốc lộ 13 đến Thủ Dầu Một, sau đó quẹo trái tại ngã tư Sở Sao. Hỏi đường để đến làng tre không khó vì địa điểm du lịch này đã trở nên quan thuộc với người dân địa phương. Thêm vào đó, nằm ngay mặt tiền đường với màu xanh ngắt mênh mông, chẳng khó để bạn không nhận ra làng tre .

Dự án Bảo tồn thực vật và Bảo tàng sinh thái Phú An (huyện Bến Cát, Bình Dương) được khởi công ngày 7/10/2003. Đây là kết quả hợp tác giữa bốn bên: tỉnh Bình Dương, trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM, vùng Rhones — Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat của Pháp. Ý tưởng dự án do tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đề xuất và thực hiện.

Tốt nghiệp tại Pháp, tiến sĩ Mỹ Hạnh về nước năm 1975 với bằng chuyên ngành Kỹ thuật môi trường của Đại học Paris. Chị được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Cây có dầu (thuộc Bộ Công nghiệp). Năm 1999, tiến sĩ có ý tưởng lập một vườn tre sinh thái để bảo tồn các giống tre quý của đất nước và cũng là nơi để nghiên cứu sinh, sinh viên học tập, thí nghiệm. Để thực hiện ý tưởng, chị đi khắp nơi kêu gọi tài trợ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương hưởng ứng dự án, giao cho chị 10 ha đất và đóng góp 1,5 tỷ đồng.

Năm 2003, dự án được Hội đồng vùng Rhones – Alpes tài trợ 600.000 Euro trong 6 năm (2003-2008) – một số tiền khá lớn để làm khoa học ở Việt Nam. Từ tháng 11/2007, đã có hai sinh viên tình nguyện của Pháp sang thực tập và làm việc tại đây. Làng tre hoàn thành giai đoạn một và khánh thành ngày 7/4/2008, cho ra đời nhiều sản phẩm từ nguyên liệu tre và đang xây dựng một mô hình du lịch sinh thái lấy cây tre và các sản phẩm từ tre làm chủ đạo.

Bên trong bảo tàng

Bên trong bảo tàng

Bước vào làng tre, hẳn bạn sẽ chú ý ngay đến ngôi nhà trung tâm – nhìn xa như một ốc đảo giữa thiên đường xanh. Phía trước ngôi nhà là thảm thực vật họ đậu phủ đất (Arachis Pintoi, có khả năng cải thiện đất) chen lẫn nhưng bụi tre đuôi gà trông rất lạ mắt. Màu vàng rơm bắt mắt từ hoa của giống thực vật họ đậu pha lẫn màu xanh tre tạo nên một bức tranh màu sắc hài hòa đến kỳ lạ.

Ngôi nhà bao gồm khu bảo tàng mẫu vật tre và khu vực quản lý dành cho những người nghiên cứu, bảo vệ, chăm sóc tre làm việc. Ngôi nhà được thiết kế mở với không gian nội thất hòa với thiên nhiên xung quanh, bàn, ghế, đèn, tủ… trong nhà cũng đều làm bằng tre. Bước vào khu bảo tàng, bạn sẽ được người quản lý hướng dẫn tỉ mỉ từ những giống tre khắp nơi trên cả nước cho đến các sản phẩm làm từ tre. Đặc biệt, nơi đây có một bộ sách lớn có kích thước cao và to hơn người là một tài liệu hết sức đầy đủ về các giống tre.

Các mẫu tre được lưu giữ

Các mẫu tre được lưu giữ

Bộ sách về tre

Bộ sách về tre

Bước ra phía sau bảo tàng bạn sẽ có cảm giác được chìm vào một không gian xanh bao la – khu bảo tồn tre. Dạo bước nơi đây, bạn sẽ gặp được rất nhiều những giống tre khác nhau. Có loại thẳng đuột, lá to nhưng cũng có loại xòe ra thành bụi và lá nhỏ. Trên mỗi cây đều chú thích rõ tên gọi cũng như khu vực trồng. Bạn có thể dễ dàng biết được thế nào là tre vuông, vàng sọc, mai, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp… Cả một vùng chỉ toàn tre, nhưng lại không nhàm chán mắt nhìn bởi sự phong phú về chủng loại và cách bài trí đẹp mắt… Và sẽ thật may mắn nếu bạn phát hiện ra hoa tre – một loại hoa mấy mươi năm mới trổ một lần.

Màu xanh khu bảo tồn tre

Màu xanh khu bảo tồn tre

Bên cạnh khung cảnh thơ mộng bởi màu xanh bạt ngàn, làng tre còn có cả một mê cung tre quanh co, khúc khuỷu. Nếu không có tài quan sát, bạn rất dễ bị lạc đường bởi vô số cây tre giống nhau bao bọc chung quanh. Sâu bên trong làng tre là mô hình “Khu đồng bằng sông Cửu Long” với cầu tre lắt lẻo, con đò nhỏ, thửa ruộng xanh, chiếc vó… những hình ảnh thân thuộc và gần gũi, gợi nhớ những vùng quê yên ả…

Gợi nhớ thôn quê

Gợi nhớ thôn quê

Tôi đứng giữa rừng tre, giữa màu xanh của thiên nhiên, nghe tiếng lá tre xào xạc — một âm thanh tưởng chừng tôi đã quên giữa bộn bề cuộc sống thành thị…


Nguồn tin: Nguồn: PNO


Xem tin theo ngày: