Tin mới
Giải pháp thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đến Cộng hoà Séc và Châu Âu

Ngày đăng: 05/10/2012 - 11:48:30

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thế giới. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng cả về số lượng và chất lượng, sự liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước được thúc đẩy bằng sự ra đời của các Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở các nước và khu vực.

Cần đẩy mạnh marketing cho hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài

Mặc dù sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Có một nghịch lý là đại bộ phận cộng đồng ta tập trung tại EU và Đông Âu… đang phân phối hàng hoá cho Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Còn hàng Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này lại rất khó khăn và thiếu các điều kiện nhận biết cho triển lãm hàng hoá tại Châu Âu.

Với vị trí địa lý trung tâm Châu Âu và lợi thế có nhiều điểm tương đồng về chính trị, văn hoá, xã hội và quá trình quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước, CH Séc đã và đang là điểm lý tưởng để giới thiệu, phân phối hàng hoá Việt Nam với CH Séc và các nước Châu Âu, cũng như quốc tế. Vừa qua, CH Séc cũng đã công bố danh sách 12 thị trường chủ chốt được ưu tiên về ngoại thương giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được nhu cầu và tiềm năng của sự hợp tác, quảng bá liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Séc và EU, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ ở các nước Châu Âu, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại CH Séc phối hợp với Phòng Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ vừa và bán lẻ CH Séc và Tập đoàn tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế CH Séc sẽ tổ chức Hội thảo Hội chợ triển lãm tại Praha hoặc Brno, CH Séc với chủ đề: Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam tại CH Séc và Đông Âu.

Trong thời đại hiện nay, từ hội nhập đến giao thương hàng hoá đã phát triển trên hình thức toàn cầu với mọi hình thức đa phương kết cấu từ hạ tầng cơ sở đến tận nơi người tiêu dùng hàng hoá. Để thoả mãn những yếu tố trên, chúng ta cần đưa nhanh hàng hoá vào các tâm điểm của thị trường mà nơi đó sức hấp dẫn phải được kịp thời, nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chất lượng tiêu chuẩn đảm bảo, được thị trường chấp nhận. Do đó, chúng ta phải chủ động về sản phẩm, chủ động về nguyên liệu, luôn cập nhật các công nghệ thông tin về thị trường và các công nghệ sản xuất đời mới sát thực với thị trường. Đó là đối sách của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Bởi vậy, ngoài thông tin hội thảo ra, chúng ta phải vận dụng các yếu tố và cơ hội cho các cuộc triển lãm trưng bầy sản phẩm trên từng thị trường phân phối ở trong nước và nước ngoài. Hiện nay, Nhà nước ta rất quan tâm đến các nhà sản xuất hàng hoá, kinh doanh hàng hoá có xu thế phát triển đồng bộ theo khả năng xuất khẩu mang tính bền vững. Điều này đòi hỏi:

Thứ nhất, các nhà sản xuất và kinh doanh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta phải xây dựng nền tảng chính quy từ khâu nhỏ nhất như mặt bằng sản xuất thuận tiện, công nghệ luôn cập nhật, chủ động về nguyên liệu, sáng tạo trong kinh doanh và luôn có nguồn nhân lực tay nghề cao…

Thứ hai, sản xuất phục vụ hàng hoá cho thị trường, ngoài thị trường trong nước phải bảo đảm chất lượng phù hợp tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, chúng ta cũng cần tính đến nhu cầu sản xuất phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Về vấn đề này, không thể tách rời phục vụ sản xuất cho thị trường nội địa. Bởi vì, về nguyên tắc, sau khi đã đáp ứng yêu cầu ngày một cao của khách hàng nội địa về chất lượng, khách hàng ngoài nước cũng lại phải có yêu cầu cao hơn để so sánh với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế thị trường của các nước như Châu Âu hay Mỹ đều phát triển tiên tiến, chất lượng hàng hoá an toàn ngày một nâng cao. Hơn nữa, từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, nay chúng ta đang trên đà phát triển đã và đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới nên các doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa đủ kinh nghiệm, điều kiện như:

- Đội ngũ công nhân tay nghề còn thấp.

- Mô hình quản lý và sản xuất hàng hoá còn bất cập, lỏng lẻo.

- Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, tầm nhìn kế hoạch còn hạn chế.

- Rào cản về tư vấn, thủ tục giấy tờ còn chậm chạp.

- Chưa đủ động về nguyên liệu sản xuất cũng như máy móc sản xuất.

- Thiếu kiến thức về quản lý, tiếp thị, kinh nghiệm cạnh tranh trên thương trường.

- Lạc hậu về chất lượng hàng hoá và cập nhật hàng hoá cho xuất khẩu…

Những bất cập trên nhất thiết phải được khắc phục nhằm thay đổi các yếu tố không đem lại lợi ích cao cho nền kinh tế.

Muốn như vậy đòi hỏi các cơ quan liên quan trong bộ máy Nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ trong thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh cải tiến mọi yếu tố. Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa không được tiếp xúc với thị trường minh bạch và tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta phải luôn chú trọng đến các doanh nghiệp có khả năng phát triển bền vững, đáp ứng tính THƯƠNG HIỆU trong xu thế phát triển của thị trường trong nước và quốc tế, tích cực hỗ trợ cho các tổ chức tham gia triển lãm, hội thảo để tăng thêm kinh nghiệm cọ sát và học hỏi được những tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế chấp nhận.

Thông qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu xem sản phẩm của mình có đạt được hiệu quả thực tế trong thị trường mở. Muốn vậy, doanh nghiệp đó phải mắt thấy, tai nghe qua các thông tin và thực tế người tiêu dùng của thị trường nơi mà các doanh nghiệp đã đến quảng cáo và triển lãm sản phẩm của mình. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam phải tận mắt thấy được những thiếu sót và phải nhìn lại quy cách và sản phẩm của mình còn thừa hay thiếu những khâu nào trong quá trình sản xuất cho phát triển bền vững. Để đảm bảo được mẫu mã, thương hiệu có tính kinh tế cao chúng ta phải tập trung tạo đà cho những thương hiệu đã thành đạt, có khả năng xuất khẩu với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

Chúng tôi có thể đóng góp gì?

Với đề nghị trên, chúng tôi là các doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động kinh doanh lâu năm và có các chức năng hợp pháp về hỗ trợ cho các hệ thống doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược phát triển lâu dài tại CH Séc và Châu Âu sẽ cùng phối hợp với các doanh nghiệp của Việt Nam mở hội chợ tại CH Séc. Lý do chọn CH Séc là vì đây là một nước trung tâm địa chính của Châu Âu, có nền kinh tế phát triển nhất Đông Âu, có hệ thống giao thông hạ tầng cơ sở phát triển, nền kinh tế ổn định thuộc hệ thống liên minh Châu Âu và là nơi trung tâm chuyên nghiệp mở các cuộc triển lãm lớn và nhỏ cho CH Séc, Châu Âu và thế giới. Kết hợp với hệ thống kho bãi đảm bảo, có tính năng cao, lại được thuê với giá ưu đãi và hệ thống Hải quan chuyên nghiệp, thông thoáng, đội ngũ văn phòng hỗ trợ cho các quảng cáo có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Về vấn đề này, không thừa khi nhắc lại CH Séc là tâm điểm của địa chính Châu Âu, từ Tây sang Trung, Đông Âu rất thuận tiện về mặt vận chuyển và không đánh thuế hai lần.

Điểm mấu chốt đáng lưu ý, các nước Đông Âu nói chung và CH Séc nói riêng là nơi cộng đồng người Việt có mặt từ những năm 1960. Họ là những người đã sống và làm ăn bắt rễ rất sâu vào hệ thống Đông Âu, với rất nhiều doanh nghiệp đã thành đạt. Tuy số doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng hoạt động rất cao, chuyên nghiệp, nhưng hiện tại chỉ có 10% được tự mình xuất nhập khẩu vào Đông Âu, còn lại 90% là các doanh nghiệp phục vụ cho các công ty nước ngoài nên điều đó đã nảy sinh bất cập về kinh tế và chính trị của người Việt Nam kinh doanh hàng Việt Nam.

Là một tổ chức phi chính phủ với tiêu chí hoạt động xã hội và ngành nghề được cấp phép của CH Séc cũng như của EU, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về pháp luật, cũng như tạo dựng được các đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam nằm tại CH Séc và Đông Âu, tạo điều kiện hợp pháp cho các đầu tàu phân phối hàng hoá Việt Nam sang EU… Do vậy, chúng tôi muốn lựa chọn và thúc đẩy giao thương hàng hoá Việt Nam, đưa các thương hiệu hàng hoá Việt Nam có tính bền vững và phát triển lâu dài sang CH Séc và Châu Âu, thay thế một số hàng hoá của các nước khác mà hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam ở Châu Âu và thương hiệu hàng hoá Việt Nam tăng thêm uy tín. Đây là một cuộc cọ sát lớn để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tạo đà cho các thương hiệu khác sau này.

Chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức triển lãm và hội thảo trên thị trường Séc và EU thường kỳ hàng năm, để làm bàn đạp phát triển hàng hoá Việt Nam giao thương với quốc tế bền vững, tốt đẹp.

Chu Văn Dân
Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN tại CH Séc

Xem tin theo ngày: