Ngày đăng: 09/02/2013 - 00:00:00
Lời nhắn nhủ của anh bạn từ 2 năm trước, giờ tôi mới có dịp thực hiện.
Đã từng rong ruổi khắp dải biên giới Việt Nam, thăm thú nhiều chợ người Việt trên đất bạn, nhưng có lẽ Trung tâm thương mại Sapa tại Cộng hòa Czech là một trong những “chợ” độc đáo nhất mà tôi từng đặt chân tới.
Sapa được biết đến như một Hà Nội thu nhỏ, “thành phố” riêng của người Việt Nam tại trái tim châu Âu – Prague. Những người Việt Nam, nói một cách hơi cường điệu, thì có thể sống cả đời ở đây vì ngoài hoạt động kinh tế sầm uất người ta có thể tìm thấy bất kỳ thứ gì họ cần.
Trung tâm Thương mại Sapa gồm nhiều dãy nhà nằm giữa khoảng đất trên một ngọn đồi ở Prague 4. Đến Trung tâm Thương mại Sapa, tôi có cảm giác đang ở đâu đó ở Việt Nam, vì tất cả biển hiệu cửa hàng đều viết bằng tiếng Việt, và xung quanh hầu như chỉ nghe người ta trao đổi bằng tiếng Việt. Giữa Trung tâm Sapa có một khu vực gắn bảng thông báo, đầy ắp các thông tin, từ cáo phó về người thân của một tiểu thương trong chợ, thông báo về một sự kiện, hoạt động trong cộng đồng cho đến các thông tin về việc làm, thuê người giúp, dạy tiếng Anh, tiếng Czech. Sách báo tại đây có nhiều tờ báo tiếng Việt do cộng đồng người Việt tại Czech phát hành.
Nhịp sống tại trung tâm thương mại luôn nhộn nhịp, hối hả. Từng đoàn xe chở hàng nối đuôi nhau vào ra. Len lỏi trong trung tâm, tôi thấy người Việt Nam còn mang sang Czech đủ các mặt hàng như đồ gia dụng, bánh kẹo, quần áo may sẵn, cả hoa quả và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác nhau.
Tôi chợt nhớ đến một nhận xét: “Hàng hoá không có chân, nhưng nó bơi lội, leo trèo luồn lách tài lắm, có bao nhiêu lạch nước, con đường thì cũng bấy nhiêu con đường để hàng hoá đi lại”. Dòng hàng hoá giờ đã chảy thành sông, còn mạch ngầm giao lưu đã được tạo ra như thế nào?
Tại Sapa, tôi gặp rất nhiều người Việt-họ đã tạo ra những mạch nước nhỏ góp vào dòng sông hàng hoá. Chị Nguyễn Tuyết Hạnh-chủ cửa hàng thực phẩm cho biết, đã sang Czech được 18 năm, lúc đầu chị kinh doanh quần áo và đồ dùng gia đình, sau chuyển sang kinh doanh hàng thực phẩm, bánh kẹo. Hàng chị nhập chủ yếu từ châu Á, trong đó có cả hàng Việt Nam. Chị Nguyễn Tuyết Hạnh cho biết thêm, cuộc sống của chị cũng như nhiều hộ kinh doanh khác ở Trung tâm thương mại Sapa khá ổn định. Người Czech rất thân thiện. “Đó là yếu tố rất thuận cho người Việt Nam mình, cho cộng đồng người Việt Nam mình. Vả lại người Việt sống rất hòa đồng lại chăm chỉ làm ăn nên người Czech cũng tôn trọng mình. Ở đây, những người chăm chỉ, chịu khó làm ăn thì đều có cuộc sống và thu nhập tốt. Hai năm trở lại đây, kinh doanh hàng thực phẩm có lợi thế hơn các loại hàng hóa khác vì ít cạnh tranh…”- chị Hạnh nói.
Ở Sapa, còn có đến hàng trăm hàng kinh doanh hàng thực phẩm. Đa số được nhập từ Việt Nam. Chị Hằng- chủ quầy hàng thực phẩm Tâm Hằng cho biết, lúc đầu mục đích của chị chỉ là mở cửa hàng để phục vụ bà con người Việt- những người sống xa quê các mặt hàng lương thực quen thuộc từ quê nhà. Nhưng sau thấy người Czech vào mua nhiều chị đã mở rộng cửa hàng. Cửa hàng chị còn phục vụ món bánh cuốn Thanh Trì cổ truyền được mọi người rất ưa thích. Khi hỏi về thu nhập, chị nhỏ nhẹ: “Cũng kiếm ăn được chị ạ. Những ngày giáp Tết cổ truyền Việt Nam, cửa hàng của tôi lại càng tấp nập người đến mua sắm. Người mua gạo, người mua lá dong, mứt và đào… Thấy bà con mình mua sắm tôi cũng thấy phấn khởi vì như vậy chứng tỏ bà con chưa quên cái Tết của người Việt”.
Đến đây, những người Việt xa xứ còn có thể dễ dàng tìm thấy cho mình hương vị quê nhà như một bát bún ngan, bún cá rô rau cần hay một bán cháo lòng nóng hổi… Những quán ăn, nhà hàng là một trong những lý do chính hấp dẫn những người Czech ghé thăm khu trung tâm thương mại này, từ nhà hàng sang trọng đến quán ăn nhỏ hay chỉ là các quán ăn di động, thứ gì cũng có. Tại nơi đây chỉ cần vài korun là có thể thưởng thức hương vị ẩm thực vô cùng độc đáo, chính hiệu của người Việt Nam.
Anh Phạm Dũng- chủ nhà hàng Ngan Dũng Liên cho biết: “Tôi mở quán này ngày 5/2005 và đến nay đã khẳng định được thương hiệu ngan Việt trong hệ thống ẩm thực trên đất Czech này”. “Trước đây, người Czech hay ăn món ngan của Trung Quốc, nhưng từ sau khi phóng viên tờ Black- tờ báo nhiều độc giả của Czech đến Sapa thưởng thức món ngan của tôi và có bài viết đánh giá cao hương vị đồng thời khẳng định đây là món ăn “Made in Vietnam”. Quán của tôi đã dần đông khách. Có những ngày tất bật từ sáng đến hơn 23 h đêm. Làm ăn trên đất bạn, điều tôi rút ra là mình phải tuân thủ luật pháp của họ. Kinh doanh nhà hàng như tôi, tuyệt đối phải giữ vệ sinh”.
Như chứng thực lời anh Dũng, một thực khách người Czech- anh Loran cho biết: “Tôi đã ăn ở quán này suốt ba năm nay. Tôi cũng đã từng ăn nhiều món ăn chế biến từ ngan, nhưng các món ăn của nhà hàng Dũng-Liên là ngon nhất, và đúng chất Việt Nam”.
“Chợ” Sapa ở Prague không chỉ là một Trung tâm thương mại mà còn là một điểm hẹn cho hàng ngàn người Việt Nam, là nơi để họ tổ chức những sự kiện quan trọng trong cộng đồng như đám cưới, sinh nhật hoặc các hoạt động văn hóa.
Rời các quầy hàng, quán ăn, đi một vòng quanh trung tâm tôi còn bắt gặp các câu lạc bộ thể thao, trung tâm dạy tiếng Việt, tòa soạn báo, thậm chí ngay giữa trung tâm còn có một ngôi chùa mang tên Vĩnh Nghiêm… Quả không ngoa khi nói rằng “Sapa là thế giới thu nhỏ của người Việt” và trong lòng không khỏi cảm phục những người xây dựng trung tâm này.
Anh Hiện- thành viên Hội người Việt Nam tại Czech cho biết: “Sapa là nơi kiếm sống, cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của gần 7.000 người Việt Nam, hiểu như vậy cũng không có gì sai”.
Anh Hiện còn khích lệ: “Hay em sang gặp anh Thắng- Chủ tịch Hội Người Việt tại Czech mà “khai thác”, chắc khối chuyện hay đấy”.
Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng xây dựng Trung tâm thương mại Sapa, ông Hoàng Đình Thắng- Chủ tịch hội người Việt Nam tại CH Czech cho biết: “Khu đất được chúng tôi mua từ năm 1999, rộng 35 ha. Chúng tôi mua khu đất này với ý tưởng làm sao xây dựng một trung tâm thương mại, trong đó còn là trung tâm giao lưu văn hóa thể thao, hay là một địa chỉ tin cậy của người Việt Nam tại CH Czech. Tên gọi Sapa được chúng tôi chọn lựa từ rất nhiều cái tên vừa đáp ứng được tiêu chí Việt Nam lại phát âm dễ đối với người Czech”.
Ông Thắng khẳng định “sự tồn tại và phát triển của Sa Pa đã được các bạn Czech thừa nhận. Người Việt Nam kinh doanh tại Sa Pa, là những người đã biết thị trường Czech, đã va chạm với thị trường Czech. Và điều quan trọng nhất là họ rất biết phong tục, nguồn gốc hàng hóa châu Á nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Trong khó khăn chung của cuộc khủng hoảng kinh tế, dĩ nhiên những người kinh doanh ở đây cũng gặp khó khăn nhưng tôi tin với sự cần cù, chịu khó của người Việt cùng sự đoàn kết trong cộng đồng, chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua được. Kết quả kinh doanh đó sẽ nâng mối quan hệ về thương mại giữa Việt Nam và cộng hòa Czech”.
Câu chuyện làm ăn của bà con không chỉ dừng lại ở Sapa, đã có rất nhiều người thành đạt quay trở lại Việt Nam đầu tư.
Theo ông Hoàng Đình Thắng, có đến 90% doanh nghiệp người Việt đang sinh sống làm ăn tại CH Czech đem tiền đầu tư về quê hương. “Số vốn họ rót về Việt Nam tôi không biết cụ thể vì đó là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng theo tôi được biết, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư về Việt Nam quá nửa số vốn mà họ có. Tôi cho rằng đó là hướng đi rất đúng. Thứ nhất là đầu tư vào Việt Nam đang là cơ hội và điều quan trọng nhất đấy là quê hương mình”.
Và còn một điều rất đáng mừng, theo anh Hoàng Đình Thắng, ở Czech, số người Việt Nam sống bất hợp pháp gần như không có. Hơn nữa, cộng đồng bà con người Việt tại đây rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Hội người Việt Nam tại Czech là một tổ chức phi Chính phủ tự nguyện, cũng liên tục tổ chức hội thảo, các cuộc gặp gỡ cơ quan Chính quyền của nước sở tại nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh thuận lợi, trên cơ sở chấp hành luật pháp nước sở tại.
Theo con số thống kê mới nhất, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Czech năm 2012 đạt 242,1 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp Cộng hòa Czech đã đưa Việt Nam vào danh sách 12 quốc gia mà Cộng hòa Czech sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại, đầu tư.
Rời Sapa, chúng tôi có chung một tâm trạng, vui mừng, phấn khởi và cùng hy vọng với những thuận lợi đã có, cộng đồng bà con người Việt tại Sapa sẽ tiếp tục góp phần nâng mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và cộng hòa Czech./
Nguồn tin: VOV online
- Người Việt tại Cộng hòa Séc phát huy truyền thống tương thân, tương ái(06/11/2023 - 20:03:12)
- Kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm tiếng Việt tại CH Séc(23/10/2023 - 19:40:16)
- Cộng đồng người Việt Nam tại Séc đoàn kết hướng về quê hương(17/10/2023 - 19:45:27)
- Kỷ niệm 10 năm ra mắt Đại từ điển của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc(24/09/2023 - 19:44:46)
- Chúc Tết và cầu bình an cho cộng đồng người Việt Nam tại Séc(24/01/2023 - 20:17:30)
- Xuân Quý Mão 2023: Đầm ấm hương sắc Xuân Quê hương tại Séc(22/01/2023 - 20:09:36)
- Kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Cộng hòa Séc(23/12/2022 - 00:00:00)
- Cộng đồng người Việt là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Séc(30/08/2022 - 19:54:09)
- Vu Lan báo hiếu: Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Việt tại Séc(01/08/2022 - 20:00:48)
- Vinh danh Việt kiều tại Séc có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước(23/07/2022 - 20:37:25)