Tin mới
Gặp mặt cựu học sinh học nghề những năm 1974-1978 tại Tiệp Khắc cũ

Ngày đăng: 30/06/2014 - 07:53:41

Sáng chủ nhật, ngày 29 tháng 6, tại nhà hàng Hồ Sen Quán – TTTM Sapa đã diễn ra cuộc gặp mặt cảm động của các cựu học sinh học nghề những năm 1974-1978 tại Tiệp Khắc cũ (từ đợt 1 tới đợt 9) – những người đang sinh sống và làm việc tại CH Séc và Slovakia.

Hơn 37 các cựu học sinh học nghề cùng các phu nhân đã tham dự cuộc gặp. Tới dự có các ông Phùng Cao Ứng, Đỗ Yên Trung và Phạm Hồng Thái - những người đã từng quản lý, phiên dịch cho các đoàn học sinh học nghề của Đại sứ quán Việt Nam thời kỳ này.

Ông Đỗ Văn Mùa – trưởng ban tổ chức cuộc gặp đã trình bày ý tưởng và mục đích cuộc gặp cũng như thống nhất việc thành lập Ban liên lạc của các cựu học sinh học nghề những năm 1974-1978 tại Tiệp Khắc cũ.

Ông Đặng Đình Thịnh đã đọc tên từng cựu học sinh học nghề có mặt, thông tin sơ bộ về nơi học và thời gian học cũng như nơi hiện đang sinh sống.

Bốn mươi năm gặp lại sau ngày đặt chân đến Tiệp khắc, vẫn không khí thanh niên sôi nổi ngày nào, những cựu học sinh nay tóc đều bạc, đeo kính và lên chức ông, chức bà cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khó quên, “cười ra nước mắt” của những năm tháng sống và học tập ở Tiệp khắc cũ khi họ là những thanh niên mười tám đôi mươi lần đầu đi tây. Hàng ngàn người đi từ đợt 1 đến 9 đa số là nam giới và có ít nữ học nghề tới vào những năm cuối của các đợt này ở Poděbrady học nghề thủy tinh cùng chung một môi trường mới mẻ và kỷ luật “sắt” của đất nước đề ra nhằm giữ vững tư tưởng và tác phong trong suốt thời gian học tập trên đất bạn như: Không quan hệ với phụ nữ và khi có bạn gái tới chơi, nói chuyện phải mở cửa phòng. Đi đâu phải đi 3 người trở lên, không được mặc quần bò, quần áo mầu sắc lòe loẹt, tóc dài. Không ai được đi nhảy. Để tóc dài, mặc quần ống loe, trốn đi xem phim không báo cáo có thể bị đuổi về nước. Có một đơn vị 100 người có khi tới 6 người bị đuổi về.

Những người đi các đợt này đều là những thanh niên ưu tú, là đoàn viên. Họ tập trung ra đi ở đồi Ba huyện sau đó đi tầu hỏa 15 ngày để tới Tiệp khắc. Lên tầu 3- 4 giờ sáng, tầu chạy với tốc độ 20 km/h nên những kỷ niệm của 2 tuần sống trên tàu cũng nhiều vô kể. Sau thời gian học tiếng tại Vizovice-Zlin ở vùng Séc và Sološnice-Lubochňa…trong 3 tháng, họ được phân về các nhà máy trên khắp nước Tiệp khắc. Ngoài học tập họ tham gia thể thao như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền sối nổi và nghe nói đã có cả đội văn nghệ nổi tiếng Hostivař ở Praha.

Đa số các cựu học sinh học nghề thời gian này (5 năm trong đó học 3 năm và thực tập 2 năm) sau thời gian học tập đã trở về Việt Nam, chỉ những người chọn được ở lại làm phiên dịch và làm cán bộ thì được ở lại lâu hơn.

Hiện chỉ còn lại vài trăm cựu học sinh học nghề thời kỳ này đang ở Séc và Slovakia - những người sau khi trở về và làm việc thời gian ở Việt Nam đã trở lại Séc và Slovakia tới tận bây giờ. Đa số những này người đã thành đạt, cuộc sống của họ ở Séc ổn định. Nhiều người mong muốn sẽ lấy được quyền lợi hưu gì đó trong thời gian đã làm việc ở Séc.

Cuộc gặp cũng bầu ra Trưởng ban liên lạc là ông Đỗ Văn Mùa, và 13 thành viên liên lạc ở các vùng miền tại Séc. Ông Phùng Cao Ứng được bầu làm trưởng ban liên lạc danh dự của các cựu học sinh học nghề những năm 1974-1978 tại Tiệp Khắc cũ.

Ông Đỗ Văn Mùa cũng nhắc lại ngạn ngữ Việt Nam có câu “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người Việt Nam đã từng học tập, lao động và sinh sống tại Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay luôn ghi nhớ công ơn của các thày, cô giáo, đốc công… và các cơ quan hữu quan của Tiệp Khắc cũ và CH Séc ngày nay đã tạo mọi điều kiện thuân lợi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam… cũng như mong muốn gặp lại những người thầy một thời của mình mà một số cựu học sinh học nghề có mặt trong buổi gặp đã thực hiện.


Nguồn tin: http://www.secviet.cz


Xem tin theo ngày: