Tin mới
Gìn giữ phong tục đi lễ chùa đầu năm của người Việt tại Séc

Ngày đăng: 06/02/2019 - 17:15:58

Dù sống xa quê hương, nhưng từ nhiều thập kỷ qua người Việt vẫn duy trì phong tục đi lễ Phật đầu năm - một nét đẹp vốn có hàng nghìn năm qua của văn hóa truyền thống dân tộc.

Sống xa Tổ quốc, nhưng người Việt tại đây vẫn không quên phong tục đi lễ chùa đầu năm.
Như thông lệ cứ vào sáng mùng một Tết hàng năm, người Việt tại Cộng hòa Séc lại rủ nhau đi lễ chùa, khấn Phật, cầu mong năm mới mang lại nhiều sức khỏe, may mắn, tài lộc cho gia đạo, cộng đồng và quê hương. Bất chấp cái lạnh âm 8 độ C và trong khi các cửa hàng vẫn còn đóng cửa dịp nghỉ lễ, nhưng gian chính điện Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trong Trung tâm thương mại Sa Pa vẫn chật kín Phật tử và bà con kính yêu đạo Phật tham dự buổi lễ dâng hương, đọc kinh Phật đầu tiên của năm mới.
 
Sống ở cái tuổi được coi là “thất thập cổ lai hy”, cụ bà Nguyễn Thị Thanh Hương, 87 tuổi, cho biết cụ không bỏ qua bất kỳ buổi lễ đi chùa đầu năm nào kể từ khi bước chân sang Cộng hòa Séc vài chục năm qua. Với cụ, đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp của văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến xuân về: “Mỗi năm cứ Tết đến xuân về, chúng tôi là những Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm và cũng như cộng đồng người Việt Nam nói chung đều nghĩ tới cội nguồn văn hóa Việt Nam. Đó là trong những ngày lễ Tết chúng tôi đều đi chùa lễ Phật để cầu cho bản thân, gia đình, họ hàng, cộng đồng người Việt Nam ở đây, cho Tổ quốc Việt Nam và nhân dân cả thế giới sống trong hòa bình, không xảy ra chiến tranh, thiên tai, địch họa, luôn phát triển, và đời sống được phồn vinh.” 
 
Không chỉ có các bà, các cụ mà rất nhiều các bạn trẻ người Việt tại Séc cũng tìm tới chùa trong ngày đầu tiên của năm mới để gửi gắm ước mong trong lời cầu chúc đầu năm hay đơn giản đi vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái trước khi bước vào một năm mới với nhiều thách thức ở phía trước.
 
Chị Lê Thị Toàn, kinh doanh trong Trung tâm thương mại Sa Pa nói: “Hàng năm cứ mùng 1 Tết thì chúng em lại đến chùa cầu bình an cho gia đình, mong cộng đồng Việt Nam mình bên này làm ăn ngày càng phát đạt hơn.” 
 
Còn với anh thợ cắt tóc Trần Xuân Dũng, vãn cảnh chùa ngày đầu xuân là một thói quen không thể bỏ được kể từ khi bước chân sang Séc sinh sống: “Em sống ở Séc được 10 năm rồi. Hôm nay em đến đây muốn tìm sự tĩnh tâm trong tâm hồn để mong công việc hanh thông, thuận buồm xuôi gió trong năm mới. Em xin chúc người Việt tại Séc, châu Âu, và ở quê hương Việt Nam một năm mới an khang, thịnh vượng.” 
 
Nắm bắt nhu cầu của bà con Phật tử, những ngày này chùa Vĩnh Nghiêm – ngôi chùa duy nhất của người Việt ở thủ đô Praha nơi luôn tập trung đông nhất số người Việt sinh sống và kinh doanh tại Cộng hòa Séc – đã tổ chức trang trí lại với một không gian đậm chất văn hóa Việt, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng như trở về quê hương cho bà con đi lễ Phật.
 
Đại đức Thích Tuệ Quang, thuộc Đoàn giáo thọ sư Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc. cho biết ngoài việc phục vụ bà con đi lễ đầu năm, nhà chùa còn mong muốn các thế hệ con cháu người Việt tại đây thêm hiểu và yêu quí một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc ngày xuân: “Ngày Tết cổ truyền không còn xa lạ với mọi người nữa, nhưng chúng ta ở đây còn nhiều điều phải suy nghĩ, đặc biệt thế hệ trẻ em thì Tết cổ truyền dân tộc vẫn còn xa lạ, nên chùa Vĩnh Nghiêm luôn tổ chức trang trí, hoạt động tín ngưỡng tâm linh để hướng dẫn bà con cô bác trở về tu tập và cầu nguyện cho một năm mới suôn sẻ. Đây cũng là một việc làm rất ý nghĩa vì nó khắc sâu một ấn tượng để lại thế hệ con cháu sau này tiếp bước cha ông, không quên đi nguồn cội của mình.”
 
Sống xa quê hương, người Việt luôn tự phấn đấu để hội nhập vững chắc vào xã hội sở tại, song bên cạnh đó họ vẫn phải tìm cách giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt, đặc biệt là cho con cháu thế hệ mai sau.
 
Ông Phùng Ứng, một trong những cựu cán bộ được cử sang Tiệp Khắc (cũ) học tập cách đây hơn 5 thập kỷ và có nhiều năm gắn bó với công tác xuất khẩu lao động, luôn có niềm tin rằng với giá trị vốn có hàng nghìn năm qua, phong tục đi lễ chùa ngày Tết sẽ mãi được lưu giữ cho con cháu ở nước ngoài mai sau: “Lúc Tết đến xuân về, ngoài việc làm lễ cúng tổ tiên, người ta không quên được là đầu năm phải đi lễ Phật để cầu may, cầu phúc, cầu lành cho gia đình, dân tộc và thế giới, cầu cho thế giới bớt đi đau thương, khổ đau, và đi đến điều mà Đức Phật muốn hướng tới là hưởng lạc. Đây là truyền thống của người Việt Nam mà tôi nghĩ sẽ mãi mãi giữ được và các thế hệ con cháu chúng ta cũng sẽ giữ được.”
 
Càng về cuối giờ chiều, số lượng người đi lễ chùa càng đông. Điều đó chứng tỏ một thực tế dù sống xa Tổ quốc nhưng người Việt vẫn luôn hướng về nguồn cội, tổ tiên, ông bà, luôn trân trọng giá trị truyền thống văn hóa dân tộc./.

Nguồn tin: Hữu Bình-Văn Huy/VOV-Praha


Xem tin theo ngày: