Tin mới
Tiềm năng hợp tác Việt-Séc trong phát triển ngành gốm sứ truyền thống

Ngày đăng: 11/05/2019 - 11:09:50

Thành phố Teplice nằm cách thủ đô Prague khoảng 100km về phía Bắc, cách không xa biên giới với Đức, từ xa xưa đã là trục đường cầu nối kinh doanh buôn bán giữa Séc và những nước láng giềng lân cận.

Ông Vladimir Feix (cha, bên trái) giới thiệu sản phẩm sứ cao cấp. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)
Những yếu tố giúp hình thành và phát triển của thành phố Teplice gồm thương mại, khai thác mỏ và điều dưỡng.
 
Vào thế kỷ thứ 19, Teplice còn được mệnh danh là "Le petit Paris" (Tiểu Paris) bởi những nét kiến trúc độc đáo cũng như sự sầm uất của một đô thị.
 
Ngoài ra, đây còn là nơi phát triển các ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh, sứ, dệt may và hóa chất vẫn duy trì cho đến ngày nay.
 
Một trong những doanh nghiệp nổi tiếng về sản xuất gốm sứ truyền thống của Séc là Công ty Cesky Porcelan ở thành phố Teplice.
 
Các sản phẩm của Cesky Porcelan là sự kết hợp giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật và công nghệ hiện đại, phản ánh quan điểm thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của Séc.
 
Với bề dày 155 năm (thành lập năm 1864 ở Teplice), công ty hiện sản xuất gần một nghìn mẫu sản phẩm tại 2 nhà máy, thường xuyên đảm bảo việc làm cho hơn 260 công nhân trên các dây chuyền hiện đại.
 
Những sản phẩm của công ty được Hiệp hội Ngành công nghiệp gốm và thủy tinh của Cộng hòa Séc chứng nhận là "sản phẩm truyền thống của Séc."
 
Hiện nay, công ty có 4 văn phòng đại diện ở nước ngoài với sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 60-70%.
 
Cesky Porcelan là thành viên lâu năm và thường xuyên tham gia Hội chợ Quốc tế về lĩnh vực hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất (AMBIENTE) ở Frankfurt, Đức.
 
Trải qua thời gian, các sản phẩm của Cesky Porcelan vẫn giữ nguyên được nét tinh hoa truyền thống của gốm sứ Séc, duy trì được vị thế thương hiệu trên thị trường.
 
Sản phẩm của công ty luôn duy trì uy tín, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dụng từ những vật dụng hằng ngày cho đến những đồ gốm sứ mỹ nghệ tinh xảo cao cấp.
 
Bằng chất liệu và men sứ độc đáo cùng hoa văn đặc trưng từ năm 1885 với nhãn hàng MEISSEN và từ năm 1956 là ZWIEBELMUSTER, Cesky Porcelan đã được xếp hạng là một trong 100 công ty tốt nhất của Séc trong 8 năm và là một trong số 4 nhà sản xuất đẳng cấp thế giới duy trì công nghệ tráng men sứ riêng biệt trong hàng trăm năm.
 
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển của sản xuất, công ty đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện công nghệ, đặc biệt là nung nhiệt độ ở cao tới 1.400 độ C.
 
Khi đưa phóng viên TTXVN tham quan dây chuyền sản xuất, ông Vladimir Feix con, Giám đốc kỹ thuật Cesky Porcelan, tự hào cho biết sản phẩm gốm sứ đã đạt được thành công và nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng do có những thiết kế kiểu dáng và họa tiết độc đáo.
 
Một số sản phẩm của công ty đã được Trung tâm Thiết kế Cộng hòa Séc chứng nhận mẫu hàng xuất sắc năm 2006, được Bộ Công nghiệp và thương mại Hàn Quốc trao giải thưởng thiết kế vượt thời gian năm 2007.
 
Ông Feix cũng tiết lộ rằng ông rất ấn tượng về Việt Nam và mong được quay lại vì đã có thời gian tìm hiểu thực tế tại Nhà máy Sứ Hải Dương nhờ đó biết chút ít tiếng Việt.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Séc, ông Vladimir Feix cha, Tổng Giám đốc của công ty Cesky Porcelan, cho biết công ty hiện xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Trong kế hoạch phát triển, công ty cũng đã cử người sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường cũng như cơ hội và các đối tác để hợp tác đầu tư.
 
Ông Feix nói: “Thị trường Séc tương đối nhỏ nên chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm sang các nước, đặc biệt là những nước châu Á. Chúng tôi đã có thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây rất mong muốn giới thiệu sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam. Hiện chúng tôi đã cử đại diện làm công tác chuẩn bị để sẵn sàng giới thiệu sản phẩm của mình tại Việt Nam, tìm những đối tác thích hợp để có thể cùng kinh doanh sản xuất."
 
Theo Tổng Giám đốc Feix, công ty sẵn sàng đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam có nhu cầu tu nghiệp tại các nhà máy của Cesky Porcelan với thời gian đào tạo khoảng 2-3 năm, đồng thời cũng sẵn sàng nhận lao động Việt Nam làm việc.
 
Tuy nhiên, vấn đề về thủ tục pháp lý cũng như quy định của pháp luật giữa hai nước cần được khai thông. Việc hợp tác được triển khai sẽ tạo điều kiện trao đổi hàng hóa và kỹ thuật công nghệ, đồng thời góp phần tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước.
 
Ông cho biết rất hào hứng và nhận được nhiều thông tin hữu ích khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Séc-Việt nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4/2019), qua đó càng thôi thúc kế hoạch hướng tới Việt Nam của mình./.

Nguồn tin: Hồng Kỳ-Công Thuận (TTXVN/Vietnam+)


Xem tin theo ngày: