Tin mới
Séc đánh giá cao triển vọng giao thương với Việt Nam nhờ EVFTA

Ngày đăng: 05/08/2020 - 10:31:58

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, mpo.cz - trang thông tin chính thức của Bộ Công Thương Séc vừa đăng bài viết với tiêu đề “Thị trường Việt Nam đang mở cửa, một hiệp định thương mại tự do có thể tiết kiệm hàng triệu korun cho các công ty Séc.”

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh: TTXVN)
Bài viết đưa ra nhận định của các chính khách và chuyên gia kinh tế của Cộng hòa Séc về triển vọng giao thương giữa hai nước sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua.
 
Theo bài viết, EVFTA - đã có hiệu lực sau 8 năm đàm phán, sẽ loại bỏ dần 99% thuế quan của hai bên.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Séc Karel Havlíče khẳng định điều này mở ra những cơ hội mới cho Cộng hòa Séc đối với một thị trường đang phát triển nhanh, với gần 100 triệu dân, tại một khu vực hấp dẫn của Đông Nam Á.
 
Trái ngược với xu hướng bảo hộ hiện nay, thỏa thuận có thể được coi là tín hiệu tích cực đối với thương mại quốc tế mở dựa trên các quy tắc.
 
Ước tính sơ bộ, việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan sẽ giúp tiết kiệm tới 100 triệu korun, thậm chí cao hơn.
 
Theo ông Havlíče, các cơ hội lớn nhất sẽ mở ra cho các công ty Séc trong ngành kỹ thuật ô tô, cơ khí và điện công nghiệp.
 
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Séc, phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại thương, bà Martina Tauberová, nhận định sau kinh nghiệm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, EVFTA cũng có thể hỗ trợ những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp, để trong tương lai có thể đối phó tốt hơn với bất kỳ cuộc khủng hoảng toàn cầu tương tự nào.
 
Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 25 của Cộng hòa Séc. Theo một nghiên cứu chuyên môn độc lập của các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Liberec, EVFTA có thể tác động đáng kể đối với một số ngành công nghiệp của Séc. Theo đó, xuất khẩu trong phân khúc các mặt hàng thủy tinh pha lê có thể tăng gấp ba; xuất khẩu các sản phẩm dệt may có thể tăng gấp đôi; ngành công nghiệp ôtô có thể tăng 55%.
 
Các sản phẩm khác có tiềm năng tăng trưởng bao gồm các lĩnh vực kỹ thuật, điện, thực phẩm và hóa chất công nghiệp.
 
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng được kỳ vọng tăng trưởng, đặc biệt là trong ngành dệt và thức ăn công nghiệp, theo đó chủ yếu người tiêu dùng tại Séc được hưởng lợi.
 
Bài viết cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tăng trưởng đều đặn 6-7%/năm trong thập kỷ qua.
 
Ngoài ra, Việt Nam có số lượng dân số trẻ năng động, mang lại cho nền kinh tế tiềm năng phát triển thịnh vượng nhanh chóng. Tình hình kinh tế của Việt Nam dường như không bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch COVID-19.
 
Việt Nam đã không phải sử dụng đến lệnh giới nghiêm, nhưng đã đặt mục tiêu bằng các biện pháp cụ thể tại các khu vực bị ảnh hưởng của COVID-19, để giữ kinh tế không gián đoạn.
 
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay. Ngoài các chỉ số kinh tế thuận lợi, các doanh nghiệp Séc cũng có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực.
 
Mối quan hệ lịch sử chặt chẽ giữa hai nước đã tạo ra một cộng đồng thiểu số người Việt đáng kể ở Séc và một số lượng lớn người Việt Nam, nhờ quá trình học tập nghiên cứu từ thời Tiệp Khắc, vẫn sử dụng tiếng Séc sau khi về nước.
 
Để giúp các doanh nghiệp nắm bắt những lợi ích mà EVFTA mang lại, Bộ Công Thương Séc khẳng định sẵn sàng tư vấn cho các doanh nhân và doanh nghiệp Séc về khung thương mại mới được thống nhất, có tiềm năng phát triển quan hệ thương mại với Việt Nam.
 
EVFTA cũng sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc họp nhóm chuyên gia tiếp theo của Bộ Công Thương Séc về các hiệp định thương mại tự do, dự kiến được triệu tập vào mùa Thu.
 
Trong giai đoạn tiếp theo, Cộng hòa Séc sẽ xây dựng kế hoạch đánh giá tác động thực sự của EVFTA đối với nước này./.

Nguồn tin: Hồng Kỳ (TTXVN/Vietnam+)


Xem tin theo ngày: