Tin mới
Bài phát biểu của dịch giả Dương Tất Từ trong buổi nhận Giải Bôhem (Premia Bohemica) do Hội Nhà văn Cộng hoà Séc và Quỹ bảo trợ văn học Séc trao tặng

Ngày đăng: 25/05/2009 - 11:33:53

Bài phát biểu của dịch giả Dương Tất Từ trong buổi nhận Giải Bôhem (Premia Bohemica) do Hội Nhà văn Cộng hoà Séc và Quỹ bảo trợ văn học Séc trao tặng (Con gái Dương Thị Châu Lan thay mặt cha nhận giải) Praha ngày 15 tháng 5 năm 2009

Kính thưa ông Chủ tịch Hội nhà văn Cộng hoà Séc

Kính thưa Ngài đại diện Quỹ bảo trợ văn học Séc

Kính thưa các vị có mặt ngày hôm nay ...

 

Từ Việt Nam xa xôi, tôi xin gửi đến tất cả  các vị có mặt tại đây lời chào thân ái và tôi coi buổi lễ trao Giải Bohem (Premia Bohemica) hôm nay là một vinh dự lớn đối với bản thân tôi cũng như đối với bạn đọc nước tôi - thế là văn học đã thành duyên nợ gắn bố giữa hai nước chúng ta.

 

Vào mùa hè năm 1955, tức là một năm sau khi tiếng súng chiến tranh vừa tắt trên thung lũng Điện Biên Phủ, thì bản dịch cuốn Viết dưới giá treo cổ của nhà văn Julius Fuxich ra đời, mặc dù lúc đó dịch qua tiếng Pháp. Nhưng đó là tác phẩm tiếng Tiệp đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Đến nay bạn đọc ở Việt Nam đã có thể tìm đọc tác phẩm của trên 30 tác giả Tiệp Khắc được dịch ra tiếng Việt, chủ yếu là các tác giả cổ điển như: Komensky, Bozena Nemcova, Jan Neruda đến Karel Kapek, Jarolav Hasek, V. Nezval và Jaroslav Seifert...

 

Công việc dịch thuật của tôi không bao giờ dễ dàng, tôi không muốn nói về chiến tranh khốc liệt và những hậu quả nặng nề đã kéo dài từ khi tôi đi học, mà còn là những khác biệt giữa ngôn ngữ của hai nước chúng ta, rồi cái nhìn và cách tiếp thu văn hoá nước ngoài trong quá khứ... Đối với tôi, việc dịch văn học Tiệp là niềm vui và sự đam mê. Nước Tiệp không lớn, nhưng có những thành tựu văn hoá phong phú mà cả thế giới có thể khai thác, không riêng gì trong văn chương, mà cả trong âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật tạo hình. Độc giả Việt Nam là những người nhạy cảm, các bản dịch văn học nước ngoài lý thú thường không nằm lâu trên các quầy sách.

 

Ở đây tôi có một nguyện vọng: là để các nhà ngoại giao Tiệp quan tâm hơn đến việc giới thiệu văn học nước mình với bạn đọc nước ngoài, chí ít cũng là ở Việt Nam. Thí dụ mỗi lần có một tác giả quan trọng được dịch, theo thói quen, thường được tổ chức gặp gỡ để giới thiệu với các nhà báo và công luận. Ở đây (Việt Nam), trong nhiều năm tôi thấy việc đó không làm, đối với một tác giả được Giải Nobel như Jaroslav Seifert người ta cũng bỏ qua. Tôi rất trân trọng việc tài trợ của Bộ Văn hoá Cộng hoà Séc, nhưng giá các nhà ngoại giao có sự chia sẻ bằng cách của mình thì vẫn hơn.

 

Tôi tán thành ý kiến của giáo sư Vladimir Krivanek đã phát biểu trong Hội thảo Quốc tế về văn học hồi năm ngoái: “Tiếng Tiệp là thứ tiếng rất khó, có lẽ phải có một tình yêu ghê gớm mới đến được với ngôn ngữ này...”. Quả thật là như vậy. Tôi bắt đầu học tiếng Tiệp từ năm hai mươi tuổi và năm nay bước sang tuổi 75, tôi không bao giờ thấy tiếng Tiệp là dễ cả. Có điều tôi tin rằng thứ ngôn ngữ này có vẻ đẹp riêng và văn học Tiệp là tinh hoa của nền văn hoá châu Âu. Còn thủ đô Praha mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận đối với những ai yêu mến thành phố này.

 

Xin cảm ơn các bạn !

 

Dương Tất Từ - Hà Nội


Xem tin theo ngày: