Niềm vui muốn được tỏ bày…
Ngày đăng: 06/03/2011 - 15:31:13
Với một nhà giáo, có niềm vui, sự an ủi, động viên nào lớn hơn là được gặp lại những chàng trai, cô gái đã từng là sinh viên của mình ngày nào để được nhìn thấy sự trưởng thành của họ; để cùng nhau nhớ lại một thời, một thời trẻ trung đầy khát vọng của cả thày và trò; để ghi nhớ mãi những khoảnh khắc vui vẻ đầm ấm bên nhau; để rồi cả thầy và trò sẽ sống tốt hơn và đẹp hơn cho đời, cho mình.
Chiều Mùng Một Tết Tân Mão - cái Tết ghi dấu ấn của cuộc đời tôi, cái Tết tôi sẽ tròn 60 để bước sang thế hệ người cao tuổi, tôi đã nhận được cuộc gọi của anh Trần Quang Thái từ Tp. Hồ Chí Minh. Thái tự giới thiệu là sinh viên cũ học tiếng Séc khóa 1982 và mời chúng tôi tới dự buổi gặp mặt thân mật với đại diện sinh viên 4 khóa 1979, 1980, 1981 và 1982 vào ngày Mùng 8 Tết tại Nhà hàng bia Tiệp Goldmalt, 34G Trần Phú, Hà Nội.
Đã 30 năm trôi qua… Liệu tôi còn có thể nhận ra những gương mặt quen thuộc của các em sinh viên thủa nào? Anh Trần Quang Thái tâm sự như thể thanh minh:
“Em đã tổ chức cho các bạn học cấp II, rồi cấp III cùng các thày cô giáo cũ gặp lại nhau. Mãi đến năm nay em mới tổ chức được để các bạn đã từng học tiếng Séc 4 khóa ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Thanh Xuân, Hà Nội gặp lại các thày cô giáo cũ, những người đã dạy chúng em những từ tiếng Séc đầu tiên. Thật là quá muộn, nhưng vẫn còn hơn là không bao giờ, có phải thế không cô?”
Tôi đã từng ao ước được gặp lại những sinh viên thủa ấy và số phận, hay chính xác hơn là chính rất nhiều những sinh viên ngày ấy đã dành cho tôi hạnh phúc và niềm vui được thỏa lòng mong ước đó. Một dịp khác tôi sẽ kể về cuộc gặp các sinh viên cũ của chúng tôi tại thủ đô Praha tháng 8 năm 2010, một chuyến trở lại đất mước Séc ấm áp tình người mà dư âm của nó luôn sống động trong trái tim tôi. Thời gian qua tôi quá bận nên chưa hoàn thành dự định này của mình.
Tối Mùng 8 Tết, tức ngày 10.2.2011, thầy Phạm Tiến Hùng, cô Đào Thị Hoa và tôi đã có mặt để tận hưởng những giờ phút ngọt ngào, vui vẻ bên các sinh viên cũ đầy tình nghĩa. Không phải giáo viên nào của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Trường Đại học Hà Nội cũng có diễm phúc được cảm nhận tình cảm thày trò như vậy. Hôm ấy, thày trò chúng tôi cũng đã vinh dự được đón tiếp và nghe ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc phát biểu về một số hoạt động của Hội trong thời gian gần đây. Ngoài một số sinh viên cũ thỉnh thoảng tôi vẫn gặp như Sinh, Thịnh, Hà, Đông, Hạnh…, còn có những gương mặt chỉ nhìn qua là tôi nhớ ngay đến tên của họ như Thành, như Lâm… Phần lớn tôi đều nhận ra những gương mặt thân quen một thời, chỉ có điều không thể nhớ chính xác tên của những gương mặt quen quen ấy. Quả thực, cũng có những gương mặt tôi không còn nhớ rõ. Thời gian đã để lại dấu ấn và làm trí nhớ của tôi không còn được như thủa nào, nhưng những giây phút trò chuyện đã gợi cho tôi nhớ lại và đưa tôi trở về những ngày thày trò tôi còn rất trẻ đang cùng nhau học tập ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Gian phòng tại tầng 3 của Nhà hàng Goldmalt, 34G Trần Phú tối đó tràn ngập tiếng cười. Không chỉ với khiếu hài hước của Cường (mà mọi người thường gọi là Cường que) mà bởi cả tiếng thày trò và bạn bè trò chuyện râm ran và đặc biệt là nhờ những giọng ca tuyệt vời, đầy nhiệt huyết của Dũng, Hân, Đông, Thái… cùng tiếng đàn ghi ta sôi động và tiếng hát của anh Giang với những bài ca Việt, Séc và cả những bài hát tiếng Anh. Thày trò chúng tôi, giờ đã như những người bạn, như đang cùng nhau sống lại những ngày của những năm 80, 90. Thày trò chúng tôi đã cùng nhau hát lại bài hát tiếng Séc đầu tiên “O Lásko!”. Tôi thấy mình như trẻ lại; như được an ủi, động viên; như được bù đắp những thiếu hụt của cuộc đời và rất tự hào khi biết những sinh viên thủa nào giờ đã là cha là mẹ của một thế hệ mới giỏi giang và thông minh không kém gì họ ngày trước. Các sinh viên cũ của chúng tôi đang là những nhà khoa học, những chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực của đời sống và có nhiều người đang giữ những vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước hay trong doanh nghiệp tư nhân. Tôi thực sự vui với chính sự thành đạt và hạnh phúc của những con người đã từng gọi tôi bằng hai từ cô giáo và cho dù cũng có những sinh viên chưa thành đạt như mong muốn, nhưng tôi luôn thấy vui và tự hào về họ, vì họ vẫn là những con người có ích cho đời, cho xã hội.
Hôm ấy, một sinh viên cũ tâm sự:
“Chúng em đôi khi bảo nhau cô tên Hiền nhưng cô không hiền.”
Điều đó không hề sai, tôi vẫn luôn biết vậy. Có lẽ vì tôi nghiêm khắc với chính mình nên nghiêm khắc với các sinh viên chăng?. Hay chỉ bởi lẽ tôi luôn muốn sinh viên của mình cố gắng hơn, học giỏi hơn? Phải chăng trong thành tích học tập của của họ tôi như thấy có một chút công sức của chính mình? Họ chính là niềm tự hào của tôi mà. Tôi vẫn còn nhớ không chỉ một sinh viên đã nói:
“Em cảm ơn sự nghiêm khắc của cô, nhờ đó mà kết quả học tập của em tiến bộ rất nhiều và đi thi rất tự tin.”
Có phải số phận luôn cho tôi những sinh viên xuất sắc như vậy hay việc nghiêm túc trong dạy và học của thầy trò chúng tôi đã góp phần để sinh viên của tôi thường luôn là những người giỏi nhất? Tôi còn nhớ đầu một năm học, cách đây đã hơn 30 năm rồi, tôi có nhận được 6 hoặc 7 bức thư của sinh viên cũ lớp TK1 do tôi chủ nhiệm. Có một bức thư làm tôi không thể quên. Nội dung đại ý là:
“Em là một sinh viên cá biệt, đã vài lần làm cho cô bực mình. Bây giờ em mới xin lỗi cô và em cảm ơn cô đã nghiêm khắc với em. Điều đó đã giúp em tiến bộ….”
Người sinh viên đó kể chuyện những ngày đầu đến Tiệp Khắc như thế nào và em đã dùng số tiền học bổng tháng đầu tiên mua sô cô la để ăn cho chán, để không bao giờ muốn ăn sô cô la nữa. Và cuối thư có dòng chữ “Em rất mong nhận được thư cô”. Tôi tìm trong thư, ngoài phong bì nhưng chỉ có địa chỉ mà không hề có tên người gửi. Tôi có thói quen trả lời thư của sinh viên cho dù viết không dài. Cậu sinh viên này đúng là đặc biệt thật. Đến bây giờ đó là lá thư duy nhất trong đời tôi đã nhận mà không có tên người gửi. Chỉ bằng cách loại trừ và trực giác với câu hỏi “Sinh viên nào có thể viết cho mình bức thư ấy?” cuối cùng tôi cũng đã đoán ra người gửi và đã viết thư trả lời với những lời đầu tiên xin lỗi người nhận, nếu như thư của tôi gửi không đúng người và cũng viết thêm rằng chưa bao giờ tôi ghét bỏ một sinh viên nào cả, tôi đã làm tất cả những gì có thể với mong muốn sinh viên của mình luôn đạt được kết quả tốt nhất. Tôi luôn muốn những điều tốt lành nhất đến với tất cả sinh viên. Bức thư đó đã được gửi cho sinh viên có tên: T Q H. Hơn một tháng sau tôi nhận được hồi âm, trong thư có câu “Em cảm ơn cô, bức thư của cô đã gửi đến đúng người muốn nhận nó…”. Sau này, tôi còn được niềm vui dự đám cưới của H. Đó là đám cưới đầu tiên trong 4 đám cưới của 5 sinh viên mà tôi đã được dự trong cuộc đời mình. Tất cả luôn là những kỷ niệm thật đẹp trong ký ức của một cô giáo như tôi.
Thời gian đã để lại dấu ấn trên gương mặt của thày trò chúng tôi. Nhưng như thể muốn động viên các thày cô giáo cũ, hay là theo lý thuyết tương đối, các cô cậu sinh viên thủa ấy đã nói: “Cô Hiền thì không già đi, cô Hoa vẫn như thế, còn thầy Hùng thì trẻ hơn.” Năm tháng qua đi, tóc chúng tôi đã điểm bạc, đôi chân không còn nhanh nhẹn như thủa nào và tiếng Séc thì cũng đã quên nhiều, nhưng tâm hồn và tình cảm với những sinh viên đã từng học tiếng Séc ở Trường Đại học Ngoại ngữ là không hề thay đổi mà ngược lại ngày càng sâu sắc và ý nghĩa hơn. Tôi luôn tự hào về thế hệ sinh viên ngày ấy. Họ đã là những sinh viên tuyệt vời, thông minh, học giỏi, khôi ngô, xinh đẹp và ngoan ngoãn. Xin cảm ơn tất cả các sinh viên đã học tiếng Séc ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Mỗi một sinh viên là một món quà mà cuộc sống dành tặng tôi, đã làm nên một phần sự nghiệp của đời tôi, đã làm nên một phần cuộc sống của tôi, đã mang cho tôi niềm tự hào trong sự nghiệp trồng người để tôi không bao giờ phải ân hận về quyết định trở thành cô giáo dạy tiếng Séc, một món quà bất ngờ cuộc sống dành cho riêng tôi. Ngày hôm nay, với tình cảm thày trò xa xưa ấy họ vẫn đang đem đến cho tôi những niềm vui bất ngờ và ngọt ngào, để tôi luôn được mỉm cười với cuộc đời, để thêm yêu cuộc sống mình đang có và vững vàng bước tiếp trong những năm tháng tới. Xin cảm ơn các bạn sinh viên, giờ đang là những kỹ sư, bác sĩ, những doanh nhân đang sống và làm việc tại CH Séc đã góp phần dành tặng chúng tôi chuyến đi ấm áp tình người để 3 chúng tôi được về thăm quê hương thứ hai của mình tháng 8 năm 2010 và để thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình thày trò trên đất nước đã cho chúng tôi cái duyên để gặp nhau. Xin cảm ơn các bạn sinh viên 4 khóa 1979 – 1982 đã dành cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ với món quà rất đặc trưng của xứ sở Bohemia cùng cuộc gặp đầu xuân Tân Mão tại một Quán bia đặc trưng Tiệp sau 30 năm thày trò chia tay nhau.Và với tấm chân tình nhất, chúng tôi cảm ơn nhân dân và đất nước Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay, trong những năm tháng chúng tôi theo học tại nước bạn, đã nuôi dưỡng và truyền cho cả thầy và trò chúng tôi những kiến thức không thể thiếu làm nền tảng cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc sau này.
Hy vọng sẽ còn gặp lại những gương mặt thân quen với tư cách là những người bạn để được hưởng niềm vui nhìn thấy sự thành đạt của những con người đang góp phần vào sự đổi thay của đất nước, để cùng nhau nhớ đến tuổi trẻ với những kỷ niệm đẹp của một thời sinh viên sôi động đầy ước mơ, để thêm yêu cuộc đời. Xin chúc tất cả mọi người một năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất.
Đã 30 năm trôi qua… Liệu tôi còn có thể nhận ra những gương mặt quen thuộc của các em sinh viên thủa nào? Anh Trần Quang Thái tâm sự như thể thanh minh:
“Em đã tổ chức cho các bạn học cấp II, rồi cấp III cùng các thày cô giáo cũ gặp lại nhau. Mãi đến năm nay em mới tổ chức được để các bạn đã từng học tiếng Séc 4 khóa ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Thanh Xuân, Hà Nội gặp lại các thày cô giáo cũ, những người đã dạy chúng em những từ tiếng Séc đầu tiên. Thật là quá muộn, nhưng vẫn còn hơn là không bao giờ, có phải thế không cô?”
Tôi đã từng ao ước được gặp lại những sinh viên thủa ấy và số phận, hay chính xác hơn là chính rất nhiều những sinh viên ngày ấy đã dành cho tôi hạnh phúc và niềm vui được thỏa lòng mong ước đó. Một dịp khác tôi sẽ kể về cuộc gặp các sinh viên cũ của chúng tôi tại thủ đô Praha tháng 8 năm 2010, một chuyến trở lại đất mước Séc ấm áp tình người mà dư âm của nó luôn sống động trong trái tim tôi. Thời gian qua tôi quá bận nên chưa hoàn thành dự định này của mình.
Tối Mùng 8 Tết, tức ngày 10.2.2011, thầy Phạm Tiến Hùng, cô Đào Thị Hoa và tôi đã có mặt để tận hưởng những giờ phút ngọt ngào, vui vẻ bên các sinh viên cũ đầy tình nghĩa. Không phải giáo viên nào của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Trường Đại học Hà Nội cũng có diễm phúc được cảm nhận tình cảm thày trò như vậy. Hôm ấy, thày trò chúng tôi cũng đã vinh dự được đón tiếp và nghe ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc phát biểu về một số hoạt động của Hội trong thời gian gần đây. Ngoài một số sinh viên cũ thỉnh thoảng tôi vẫn gặp như Sinh, Thịnh, Hà, Đông, Hạnh…, còn có những gương mặt chỉ nhìn qua là tôi nhớ ngay đến tên của họ như Thành, như Lâm… Phần lớn tôi đều nhận ra những gương mặt thân quen một thời, chỉ có điều không thể nhớ chính xác tên của những gương mặt quen quen ấy. Quả thực, cũng có những gương mặt tôi không còn nhớ rõ. Thời gian đã để lại dấu ấn và làm trí nhớ của tôi không còn được như thủa nào, nhưng những giây phút trò chuyện đã gợi cho tôi nhớ lại và đưa tôi trở về những ngày thày trò tôi còn rất trẻ đang cùng nhau học tập ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Gian phòng tại tầng 3 của Nhà hàng Goldmalt, 34G Trần Phú tối đó tràn ngập tiếng cười. Không chỉ với khiếu hài hước của Cường (mà mọi người thường gọi là Cường que) mà bởi cả tiếng thày trò và bạn bè trò chuyện râm ran và đặc biệt là nhờ những giọng ca tuyệt vời, đầy nhiệt huyết của Dũng, Hân, Đông, Thái… cùng tiếng đàn ghi ta sôi động và tiếng hát của anh Giang với những bài ca Việt, Séc và cả những bài hát tiếng Anh. Thày trò chúng tôi, giờ đã như những người bạn, như đang cùng nhau sống lại những ngày của những năm 80, 90. Thày trò chúng tôi đã cùng nhau hát lại bài hát tiếng Séc đầu tiên “O Lásko!”. Tôi thấy mình như trẻ lại; như được an ủi, động viên; như được bù đắp những thiếu hụt của cuộc đời và rất tự hào khi biết những sinh viên thủa nào giờ đã là cha là mẹ của một thế hệ mới giỏi giang và thông minh không kém gì họ ngày trước. Các sinh viên cũ của chúng tôi đang là những nhà khoa học, những chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực của đời sống và có nhiều người đang giữ những vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước hay trong doanh nghiệp tư nhân. Tôi thực sự vui với chính sự thành đạt và hạnh phúc của những con người đã từng gọi tôi bằng hai từ cô giáo và cho dù cũng có những sinh viên chưa thành đạt như mong muốn, nhưng tôi luôn thấy vui và tự hào về họ, vì họ vẫn là những con người có ích cho đời, cho xã hội.
Hôm ấy, một sinh viên cũ tâm sự:
“Chúng em đôi khi bảo nhau cô tên Hiền nhưng cô không hiền.”
Điều đó không hề sai, tôi vẫn luôn biết vậy. Có lẽ vì tôi nghiêm khắc với chính mình nên nghiêm khắc với các sinh viên chăng?. Hay chỉ bởi lẽ tôi luôn muốn sinh viên của mình cố gắng hơn, học giỏi hơn? Phải chăng trong thành tích học tập của của họ tôi như thấy có một chút công sức của chính mình? Họ chính là niềm tự hào của tôi mà. Tôi vẫn còn nhớ không chỉ một sinh viên đã nói:
“Em cảm ơn sự nghiêm khắc của cô, nhờ đó mà kết quả học tập của em tiến bộ rất nhiều và đi thi rất tự tin.”
Có phải số phận luôn cho tôi những sinh viên xuất sắc như vậy hay việc nghiêm túc trong dạy và học của thầy trò chúng tôi đã góp phần để sinh viên của tôi thường luôn là những người giỏi nhất? Tôi còn nhớ đầu một năm học, cách đây đã hơn 30 năm rồi, tôi có nhận được 6 hoặc 7 bức thư của sinh viên cũ lớp TK1 do tôi chủ nhiệm. Có một bức thư làm tôi không thể quên. Nội dung đại ý là:
“Em là một sinh viên cá biệt, đã vài lần làm cho cô bực mình. Bây giờ em mới xin lỗi cô và em cảm ơn cô đã nghiêm khắc với em. Điều đó đã giúp em tiến bộ….”
Người sinh viên đó kể chuyện những ngày đầu đến Tiệp Khắc như thế nào và em đã dùng số tiền học bổng tháng đầu tiên mua sô cô la để ăn cho chán, để không bao giờ muốn ăn sô cô la nữa. Và cuối thư có dòng chữ “Em rất mong nhận được thư cô”. Tôi tìm trong thư, ngoài phong bì nhưng chỉ có địa chỉ mà không hề có tên người gửi. Tôi có thói quen trả lời thư của sinh viên cho dù viết không dài. Cậu sinh viên này đúng là đặc biệt thật. Đến bây giờ đó là lá thư duy nhất trong đời tôi đã nhận mà không có tên người gửi. Chỉ bằng cách loại trừ và trực giác với câu hỏi “Sinh viên nào có thể viết cho mình bức thư ấy?” cuối cùng tôi cũng đã đoán ra người gửi và đã viết thư trả lời với những lời đầu tiên xin lỗi người nhận, nếu như thư của tôi gửi không đúng người và cũng viết thêm rằng chưa bao giờ tôi ghét bỏ một sinh viên nào cả, tôi đã làm tất cả những gì có thể với mong muốn sinh viên của mình luôn đạt được kết quả tốt nhất. Tôi luôn muốn những điều tốt lành nhất đến với tất cả sinh viên. Bức thư đó đã được gửi cho sinh viên có tên: T Q H. Hơn một tháng sau tôi nhận được hồi âm, trong thư có câu “Em cảm ơn cô, bức thư của cô đã gửi đến đúng người muốn nhận nó…”. Sau này, tôi còn được niềm vui dự đám cưới của H. Đó là đám cưới đầu tiên trong 4 đám cưới của 5 sinh viên mà tôi đã được dự trong cuộc đời mình. Tất cả luôn là những kỷ niệm thật đẹp trong ký ức của một cô giáo như tôi.
Thời gian đã để lại dấu ấn trên gương mặt của thày trò chúng tôi. Nhưng như thể muốn động viên các thày cô giáo cũ, hay là theo lý thuyết tương đối, các cô cậu sinh viên thủa ấy đã nói: “Cô Hiền thì không già đi, cô Hoa vẫn như thế, còn thầy Hùng thì trẻ hơn.” Năm tháng qua đi, tóc chúng tôi đã điểm bạc, đôi chân không còn nhanh nhẹn như thủa nào và tiếng Séc thì cũng đã quên nhiều, nhưng tâm hồn và tình cảm với những sinh viên đã từng học tiếng Séc ở Trường Đại học Ngoại ngữ là không hề thay đổi mà ngược lại ngày càng sâu sắc và ý nghĩa hơn. Tôi luôn tự hào về thế hệ sinh viên ngày ấy. Họ đã là những sinh viên tuyệt vời, thông minh, học giỏi, khôi ngô, xinh đẹp và ngoan ngoãn. Xin cảm ơn tất cả các sinh viên đã học tiếng Séc ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Mỗi một sinh viên là một món quà mà cuộc sống dành tặng tôi, đã làm nên một phần sự nghiệp của đời tôi, đã làm nên một phần cuộc sống của tôi, đã mang cho tôi niềm tự hào trong sự nghiệp trồng người để tôi không bao giờ phải ân hận về quyết định trở thành cô giáo dạy tiếng Séc, một món quà bất ngờ cuộc sống dành cho riêng tôi. Ngày hôm nay, với tình cảm thày trò xa xưa ấy họ vẫn đang đem đến cho tôi những niềm vui bất ngờ và ngọt ngào, để tôi luôn được mỉm cười với cuộc đời, để thêm yêu cuộc sống mình đang có và vững vàng bước tiếp trong những năm tháng tới. Xin cảm ơn các bạn sinh viên, giờ đang là những kỹ sư, bác sĩ, những doanh nhân đang sống và làm việc tại CH Séc đã góp phần dành tặng chúng tôi chuyến đi ấm áp tình người để 3 chúng tôi được về thăm quê hương thứ hai của mình tháng 8 năm 2010 và để thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình thày trò trên đất nước đã cho chúng tôi cái duyên để gặp nhau. Xin cảm ơn các bạn sinh viên 4 khóa 1979 – 1982 đã dành cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ với món quà rất đặc trưng của xứ sở Bohemia cùng cuộc gặp đầu xuân Tân Mão tại một Quán bia đặc trưng Tiệp sau 30 năm thày trò chia tay nhau.Và với tấm chân tình nhất, chúng tôi cảm ơn nhân dân và đất nước Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay, trong những năm tháng chúng tôi theo học tại nước bạn, đã nuôi dưỡng và truyền cho cả thầy và trò chúng tôi những kiến thức không thể thiếu làm nền tảng cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc sau này.
Hy vọng sẽ còn gặp lại những gương mặt thân quen với tư cách là những người bạn để được hưởng niềm vui nhìn thấy sự thành đạt của những con người đang góp phần vào sự đổi thay của đất nước, để cùng nhau nhớ đến tuổi trẻ với những kỷ niệm đẹp của một thời sinh viên sôi động đầy ước mơ, để thêm yêu cuộc đời. Xin chúc tất cả mọi người một năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất.
Trần Minh Hiền với Xuân Tân Mão.
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)