Ngày đăng: 03/06/2015 - 00:00:00
Chúng tôi từ trong chiến tranh ra đi, nơi mà hàng ngày đã chứng kiến, đã nhìn thấy bom rơi, đạn nổ; học ở những nơi xơ tán, cách xa đô thị, thành phố. Những ngày chờ đợi ở giáp biên giới để sang ga Bằng Tường, Trung Quốc, chúng tôi được ở trong lán trại trong rừng, ăn chủ yếu cơm độn với rau muống nấu chảo gang; nước để ăn, tắm, giặt đều là nước suối. Bước chân lên tàu liên vận quốc tế của Trung Quốc, lần đầu tiên được ăn chiếc bánh bao nhân thịt, điều ấy đã để lại một ấn tượng đẹp, khó quên. Lênh đênh trên tầu liên vận quốc tế khoảng 2 tuần, trong lòng khối xã hội chủ nghĩa (XHCN), xuyên từ Đông sang Tây, từ Việt Nam - tiền đồn của khối, sang đến CH XHCN Tiệp Khắc - miền cực Tây của khối. Chúng tôi nhìn thấy sự thanh bình, tươi đẹp, giầu có, văn minh cứ tăng dần. Chính phủ Tiệp Khắc, nhân dân Tiệp Khắc và các thày cô giáo đã tạo điều kiện rất đầy đủ cho việc ăn ở và học hành của chúng tôi. Năm đầu tiên chúng tôi được phân về Mariánské Lázně, thành phố nghỉ dưỡng rất đẹp, rất sạch và rất thanh bình để học tiếng Tiệp. Cuối năm học tiếng Séc, đoàn kiểm tra gồm giáo sư và giảng viên các bộ môn Hóa và Sinh của Khoa các Khoa học tự nhiên đến trực tiếp kiểm tra và sàng lọc. Chúng tôi, khi đó chỉ học tiếng Séc tất cả có 9 tháng, nhưng đã đạt điều kiện nhập học năm thứ nhất ngang bằng với các sinh viên Tiệp. Hệ thống tổ chức quản lý lưu học sinh thời gian đó rất nghiêm khắc và chặt chẽ. Đơn vị lưu học sinh chúng tôi khi đó được Đại Sứ quán đặt tên là Hóa – Sinh tổng hợp Praha, gồm sinh viên của các niên khóa 1967, 1968 và 1969; tốt nghiệp vào những năm 1972, 73 và 74. Những năm đó chúng tôi có ý thức và trách nhiệm rất cao đối với việc học tập, kỷ luật nghiêm khắc. Sau 5 năm học đại học, chúng tôi đã tốt nghiệp và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Về nước chúng tôi được phân bổ về các đơn vị, cơ quan, viện, trường khác nhau. Nhóm ở Hà Nội là đông nhất. Đến nay, sau nhiều năm thăng trầm, biến đổi, có người đã ra đi, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng duy trì, giữ mối liên hệ. Những năm gần đây, khi kinh tế đất nước có khá lên, chúng tôi cố gắng gặp nhau một lần trong năm; ôn lại những kỷ niệm xưa, thời sinh viên ở đất nước tươi đẹp, thanh bình, văn minh, lịch sự; và kể cho nhau nghe về gia đình của từng người. Năm nay - 2015, chúng tôi gặp mặt vào ngày 9/5 với sáng kiến tổ chức chuyên đề các món ăn đặc trưng của Séc và ăn bằng dao, thìa, dĩa. Mọi người đều vui vẻ nghiên cứu, tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và cuối cùng đã đi đến thống nhất thực đơn.
Trụ cột ở đây phải nói đến chị Lan Phương, vợ chồng anh Hồng Côn và anh Phạm Văn Thân, những người đã có mặt từ 9:00 sáng, thể hiện rất điêu luyện những tài nghệ của mình. Ngoài ra tất cả những anh chị em còn lại đã đóng vai trò hỗ trợ tích cực; mỗi người một việc, do vậy chỉ trong có gần 3 giờ đồng hồ, rất nhiều những món typická a populární česká jídla cho 30 người ăn đã chuẩn bị xong. Bao gồm: 1. kuřecí nudlová polévka 2. knedlíky se hovězím gulášem 3. bramborový salát se smaženým řízkem 4. Bramborová kaše + kyselé zelí + smažený řízek. Tất cả phải nói là rất hoàn hảo, giống hệt các món ăn hàng ngày của người Tiệp mà ngày xưa chúng tôi vẫn thường ăn, nhưng không bao giờ phải nấu.
Các món ăn đặc trưng Séc
Tuy nhiên có một món có lẽ chúng tôi phải chịu thua, không thể nấu được đó là món rượu Becherovka do PGS. TS Trần Hồng Côn mang tới. Đó là món quà mà học trò của anh ấy mua tại Séc đem về biếu thày. Chúng tôi hoàn toàn có thể nấu được “quốc lủi” nhưng Becherovka thì không thể. Đây là loại rượu đặc sắc và độc đáo của sứ Karlovy Vary (thành phố nghỉ dưỡng, du lịch Number One của Cộng hòa Séc). Người Tiệp muốn đó là món đặc biệt riêng cho mình, nên không cần sản xuất nó ở qui mô xuất khẩu để thu về ngoại tệ.
Buổi gặp mặt hôm đó vô cùng ấn tượng, thưởng thức các món ăn Séc do chính bàn tay những người bạn cùng học làm ra, cùng nhau trò chuyện nhớ đến một thời trẻ trung ở Kolej Albertov và Kolej Arnošta, cùng nhau hát lại những hát Séc và những bài hát Việt với những lời ca do chúng tôi tự cải biên, hình như ai cũng cảm thấy mình trẻ lại.
Hôm ấy có hai khách mời đặc biệt của chúng tôi, họ không học cùng khoa, nhưng lại là những người bạn thân quen cùng thời: anh Trần Bình, học gốm sứ ở Karlovy Vary và chị Trần Minh Hiền, học Vật lý chất rắn ở khoa Toán Lý, UK, nhưng cả cuộc đời lại gắn với việc "gieo" tiếng Séc trên đất Hà Nội. Hiện nay, chị Hiền vẫn đang dạy tiếng Séc cho các bạn sinh viên trẻ Việt Nam đi du học tự túc tại CH Séc.
TS. Nguyễn Đức Thắng
Ảnh: Trần Minh Hiền
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)