“Nhật ký” những ngày tiếp theo chuyến thăm của Cô Petra và Thày Max tại Hà Nội
Ngày đăng: 08/08/2015 - 00:00:00
Chiều thứ Hai, 3/8/2015, cô Petra và thày Max tới dự bữa cơm chiều tại Nhà hàng Bia Bohemia, số 9 Hoàng Cầu do ông Đỗ Ngọc Việt Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa – Nghệ thuật Bohemia, nguyên UV BCH Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc mời.
Tại Nhà hàng số 9 Hoàng Cầu
Tại buổi tiếp ông Dũng trao đổi với thày Max và cô Petra về nhiều vấn đề như những người Việt Nam đầu tiên sang Séc, những người Séc đầu tiên tới VN, những tác phẩm văn học đã được dịch ra tiếng Việt và mong muốn của một số cựu sinh viên Việt Nam dịch những tác phẩm của mình sang tiếng Séc. Ông Dũng cũng đã giới thiệu những tác phẩm của mình trong thời gian gần đây như: “Phong tục, trang phục dân tộc và ẩm thực Séc”; “Tuyển tập thợ Tiệp Khắc”; “Ba cuộc đời, tập 1” và những cuốn sách sắp xuất bản của ông trong năm nay như “Ba cuộc đời tập 2”; “Giai điệu Tiệp Khắc”; “Lịch sử Séc”; Tuyển tập thơ Yêu, Sống và Chết”, một số trong đó được xuất bản với sự tài trợ của Sứ quán CH Séc tại Hà Nội.
Thứ Ba, 4/8/2015: Vì thời tiết xấu, mưa suốt nên không thể thực hiện được kế hoạch đi thăm Mai Châu, Hòa Bình. Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc Nguyễn Trường Sinh cùng UV BCH Ngô Tiến Chức đã tháp tùng thày Max và cô Petra sang thăm Làng gốm Bát Tràng và thưởng thức bữa trưa tại Khu Ecopark. Cô Petra luôn nói với tôi “Những sự thay đổi của Hà Nội thật tuyệt vời, tôi cứ nghĩ mình đang ở một nơi nào khác.” Tại nơi đây một ý tưởng mới cho những ngày tiếp theo dành tặng Thày Max và cô Petra được hình thành…
Chiều thứ Tư, 5/8/2015 - ngày thứ 6 của Chuyến thăm, tôi tháp tùng Thày Cô tới thăm căn hộ mới của cô con gái thứ hai, nằm trong khu chung cư cao cấp Hòa Bình Green City, cạnh chân cầu Vĩnh Tuy với mong muốn không chỉ thăm lại con gái nhỏ của tôi năm nào giờ đã là người mẹ của hai con, mà còn từ tầng 29, tầng thượng của Tòa nhà, Thày Max và Cô Petra có thể nhìn thấy Hà Nội từ trên cao. Tại đây Thày Cô có thể nhìn thấy khu Times City và nhiều tòa nhà cao thấp khác nhau, một bức tranh Hà Nội trong một chiều nắng đẹp sau nhiều ngày mưa. Cô Petra luôn nói “Tôi không thể hình dung nổi mình đang ở Hà Nội, cứ ngỡ mình đang ở đâu đó.” Thày Cô chụp nhiều bức ảnh để về kể lại cho người thân, bạn về sự đổi thay đáng mừng của Hà Nội.
Trên tầng thượng của Hòa Binh Green City
Tối hôm đó, lớp cựu NCS khóa 1988-1989 đã mời thày Max, cô Petra, cô Hiền và thày Hợi - giáo viên chủ nhiệm, cùng một số cựu sinh viên cùng khoá tới dự bữa cơm chiều tại Nhà hàng Hoa Viện, 1A Tăng Bạt Hổ, Hà Nội do cựu nghiên cứu sinh Nguyễn Hồng Phương tài trợ. Lớp cựu NCS năm ấy tại Hà Nội có mặt anh Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam –Séc, anh Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Khảo thí, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Anh Nguyễn Hữu Dũng, PGS giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; anh Nguyễn Hồng Phương, Phó trưởng Ban quản lý dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; anh Thanh nay đã về hưu, trước anh làm việc tại Sân Bay Gia Lâm, Cục Hàng Không VN và anh Nguyễn Đăng Khê, cựu NCS và cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Tiệp khắc, cựu Trưởng ban quản lý LHS. Thày Max trò chuyện nhiều với anh Khê, bởi họ có thời gian dài cùng nhau làm việc tại Praha, khi thày Max làm tại Dům zahraničních styků, Bộ Giáo dục và Thanh niên, Tiệp Khắc. Chúng tôi đều ngạc nhiên khi biết anh Khê năm nay đã 69 tuổi. Ngạc nhiên, bởi có lẽ chúng tôi quên tuổi mình, rằng mình cũng chỉ kém anh Khê có vài tuổi.
Với cựu NCS khóa 1988-1989 và các em cựu sinh viên
Chúng tôi cùng nhau nhớ lại những ngày học tại ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân. Các anh cựu NCS kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm vui những ngày họ học tại Tiệp Khắc, cùng nhắc đến một số bạn bè cùng khóa hôm nay không thể đến tham dự.
Anh Dũng, cựu lớp trưởng đã thay mặt anh chị em tham dự phát biểu cảm xúc rất vui mừng được đón tiếp Thày Max và cô Petra và còn được gặp các thày cô dạy tiếng Séc người Việt và một số các em cựu SV sống ở VN và ở CH Séc về nghỉ hè. Anh Dũng đã trao tặng Thày Max và cô Petra một món quà nhỏ làm kỷ niệm về chuyến thăm này.
Thày Max trong lời cám ơn lớp cựu NCS khóa 1988-1989 đã xúc động nói “Chúng tôi trân trọng những việc làm, tình cảm của các bạn dành cho chúng tôi. Những tình cảm như thế này không thể thấy được ở những học trò người Séc, những thày cô giáo Séc không có may mắn được hưởng những nghĩ tình sâu nặng của học trò dành cho thày cô giáo như chúng tôi đang được hưởng…” Thày phát biểu bằng tiếng Việt với giọng run run cảm động và tôi đã nhìn thấy sự xúc động trong đôi mắt hơi đỏ và ngấn lệ của cô Petra. Cô đang kiềm chế cảm xúc thực sự của mình…
Chia tay với các cựu NCS và SV, tiện thể tôi đưa Thày Cô tới Câu lạc bộ khiêu vũ Discovery, ngay xát đấy để Thày Cô hình dung thêm về một phần cuộc sống giải trí của người dân Hà Nội. Có lẽ nhiều ánh mắt đã theo dõi “một ông Tây và một bà Việt Nam” trong điệu nhảy Tăng gô và Van.
Thứ Năm, ngày 6/8/2015: 10 giờ sáng tôi tháp tùng thày Max và cô Petra tới thăm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, nơi mà thày Max đã theo học hệ cử nhân tiếng Việt và cô Petra đã học 1 năm trong chương trình hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Tiệp Khắc. Khoa Tiếng Việt giờ đã nằm ngay mặt Đường Trần Đại Nghĩa, Hà Nội.
Sau đó Thày Cô tới thăm Khách sạn Kim Liên, nơi gắn bó nhiều kỷ niệm. Những dãy nhà năm xưa vẫn còn nguyên chỗ cũ, nhưng đan xen thêm những tòa nhà mới xây, nên khiến Thày Cô không nhận ra đường đi và lối vào. Nhà 4, nơi Thày Cô sống lâu nhất, khung cảnh xung quanh, phía trước có bể bơi giờ đẹp hơn, vẫn gợi nhớ những năm tháng đã qua…
Trong khuôn viên KS Kim Liên, HN
Hơn 11 giờ Thày Cô tới thăm gia đình Cô Đào Hoa, ngôi nhà 4 tầng nằm trong khuôn viên xanh của khu đô thị Định Công. Cô Hoa vui vẻ kể chuyện là nhờ một phần có chiếc xe máy Babeta mua từ Tiệp Khắc về năm 1986, vợ chồng cô có được ngôi nhà khang trang ngày hôm nay.
Bữa trưa cô Đào Hoa, Lê Hoa, tôi và em trai Trần Minh Cường, người đã từng làm việc tại Tiệp Khắc cùng Thày Cô thưởng thức các món ăn tại Quán Ngon, 26 Trần Hưng Đạo. Ngồi trò chuyện rồi lại nhắc đến ngày xưa, cái thời bao cấp khó khăn. Lúc ấy mỗi tháng giáo viên như chúng tôi được nửa cân đường, nửa cân thịt và một năm chỉ được mua có 4 mét vải để may một bộ quần áo mới. Thày Max còn nhớ phụ nữ VN lúc đó ai cũng mặc quần xa tanh đen…
Buổi tối bên Hồ Tây
Tối đó em trai tôi đưa Thày cô đi ngắm Hà Nội trong đêm. Tiếc là không phải dịp để có thể nhìn thấy cầu Nhật Tân trong ánh đèn lung linh. Ngồi nghỉ trong một quán Du thuyền Hồ Tây để thưởng thức một buổi tối thanh bình của Hà Nội, cô Petra chia sẻ việc kè và xây đường vòng quanh Hồ Tây là một việc quá tuyệt vời, Hồ Tây đẹp và thơ mộng lên rất nhiều….
Trần Minh Hiền
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)