Ngày đăng: 12/09/2010 - 09:00:50
Phóng viên (PV): Tại CH Séc hiện nay có khoảng 60 nghìn người Việt Nam sinh sống, tại sao CH Séc đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Họ đã hội nhập như thế nào? Và chúng ta có thể học hỏi được như thế nào từ họ? Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về vấn đề này. Vị khách mời ngày hôm nay là ông Đỗ Xuân Đông-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt nam.
Xin chào ông.
Đại sứ (ĐS) - Xin chào ông.
PV - Thưa đại sứ, sự trùng hợp ngẫu nhiên là buổi phỏng vấn ngày hôm nay cũng chính là ngày Việt Nam kỉ niệm 65 năm ngày độc lập. Mở đầu, ông có thể nói cho chúng tôi biết người Việt Nam tại CH Séc đã kỷ niệm ngày hôm nay như thế nào?
ĐS Trước hết tôi xin cảm ơn đài truyền hình 24 Ch Séc đã cho tôi cơ hội để trao đổi một số vấn đề về quan hệ hữu nghị 2 nước và cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại CH Séc. Hôm nay chúng tôi kỉ niệm 65 năm ngày độc lập dân tộc. Tại Việt Nam, các hoạt động kỉ niệm đang diễn ra trong không khí rất hồ hởi và sôi động. Tại CH Séc, đặc biệt tại Praha ngày 26/8 vừa qua, đại sứ quán Việt Nam cùng hội người Việt Nam đã tổ chức kỉ niệm ngày quốc khánh long trọng tại khách sạn Praha. Tổng cộng chúng tôi có khoảng 750 khách mời. Trong số đó là nhưng quan chức chính phủ, các tỉnh trưởng, bạn bè, thày cô giáo người Séc đã có công đào tạo cho nhưng người Việt Nam đã và đang học tập tại đây. Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CH Séc, ngài Vladimir Galuska cũng đến dự, chung vui cùng chúng tôi và đã đọc diễn văn chào mừng.
PV - Ông cảm ơn chương trình đã tạo điều kiện cho ông nói về quan hệ của Séc và Việt Nam. Hai nước chúng ta đã có cùng chung qua khứ cộng sản nhưng CH Séc đã không còn chế độ độc đảng 20 năm nay. Vậy ông có nghĩ rằng Việt Nam một lúc nào đó sẽ đi theo con đường Tiệp Khắc đã đi hay không?
ĐS - Chúng tôi có một quan điểm là đất nước chúng tôi là đất nước độc lập, tự chủ và chúng tôi đi theo con đường của nhân dân chúng tôi đã chọn. Nếu nói là đi theo Séc, Hoa Kì hay Trung Quốc thì chúng tôi không hề xác định. Chúng tôi đi theo chính con đường của dân tộc Việt Nam chúng tôi đã đề ra.
PV - Ông đã nói là ông đi theo con đường của các ông, có phải đây là con đường với cái giá phải trả là vẫn tiếp tục bắt giữ tù chính trị, bắt giữ những người không đồng ý con đường mà các ông đang đi?
ĐS - Ở Việt Nam chúng tôi không có tù chính trị. Ở Việt nam chỉ có những người vi phạm pháp luật là những người bị công tố buộc tội và tòa án xét xử kết án là đã vi phạm pháp luật của nhà nước chúng tôi. Trên đất nước chúng tôi tuyệt nhiên không có tù chính trị.
PV - Nhưng ở Việt Nam vẫn có người bj kết tội vì tuyên truyền chống lại Đảng và chính phủ, đòi đa đảng và tương tự như vậy. Vậy có lẽ đây là quan điểm của những người sống trong chế độ cộng sản khác với cách nhìn của những người sống tại CH Séc.
ĐS - Tôi xin nhắc lại ở Việt Nam chúng tôi tuyệt nhiên không có tù chính trị, chỉ có những tội phạm về hình sự như cướp của, giết người, tham nhũng, ăn trộm ăn cắp tài sản của công dân và phá rối trật tự công cộng v.v. Tức là vi phạm pháp luật của nhà nước, tòa án kết tội và phải đi thi hành án phạt tù.
PV - Năm tới các ông sẽ có đại hội của Đảng Cộng Sản, vậy chúng ta có thể chờ đợi gì tại đại hội này?
ĐS - Đó là chuyện của đại hội đảng chúng tôi. Đại hội đảng chúng tôi cũng như các đảng khác sẽ tiến hành việc kiểm điểm nhìn lại thời gian vừa qua đã và chưa làm được những gì cũng như đề ra những mục tiêu phương hướng mới để xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Theo tôi, tất cả các đảng cầm quyền khác cũng có họp nội bộ, có đại hội giống như vậy. Ví dụ như đảng Dân chủ hay đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ. Và mỗi kì, đại hội sẽ bầu ra một bộ máy lãnh đạo để làm sao đưa đất nước phát triển và dân tộc ngày một tốt đẹp hơn. Theo tôi, đảng nào cũng vậy. Là một công dân của nước Việt Nam thì tất nhiên ai cũng kì vọng có một cuộc sống tốt đẹphơn trên đất nước của mình và mong muốn chính phủ sẽ sáng suốt lãnh đạo nhân dân xây dựng một nền kinh tế phát triển tốt hơn. Chính bản thân tôi cũng mong cho chúng tôi có một chính phủ mạnh, đưa đất nước Việt Nam tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững.
PV - Theo ông trong lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng Sản có mắc sai lầm gì về mặt kinh tế không?
ĐS - Trong lãnh đạo không thể có 100% là tốt. Đương nhiên trong đường lối lãnh đạo có những cái tốt và không tốt. Nhưng theo tôi, là một công dân Việt Nam, tôi thấy rằng đường lối của chúng tôi là đúng đắn. Năm 2010, GDP của Việt Nam tăng dự kiến là 6,7% trong khi quốc hội thông qua với kế hoạch tăng trưởng là 6,5%. Đây quả thực là một sự tăng trưởng tốt và bản thân tôi không mong muốn gì thêm vì mong muốn thì mong muốn nhiều nhưng tuy trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay mà nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% năm 2010 là một thành tích đáng được ghi nhận.
PV - Quá trình hội nhập của người Việt Nam tại CH Séc có sự phát triển rất thú vị. Từ những người đi bán hàng rong, người giúp việc, họ đã trở thành những doanh nhân mạnh, con của họ được học trong những trường tốt và trở thành học sinh giỏi. Ông nghĩ rằng người Việt Nam có thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Séc hay không?
ĐS - Thứ nhất, thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi cảm ơn chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trên toàn lãnh thổ Séc đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho cộng đồng của chúng tôi sinh sống và hòa nhập tại đây. Theo một số thống kê thì người Việt Nam của chúng tôi có khoảng 60 nghìn người. Khi tôi mới sang đây được 2 ngày, tổng thống Vaclav Klause đã chấp thuận cho tôi trình quốc thư. Và trong buổi tiếp kiến với tổng thống, ngài có ghi nhận và nói với tôi rằng: hiện nay nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dương trong khi nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đối với những
người khác thì không biết nhưng đối với cá nhân ngài tổng thống, ông không lấy điều này làm ngạc nhiên. Có 2 lý do: thứ nhất, năm 2006 tổng thống và phu nhân đã có chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam, tại đây ông đã tận mắt nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Lý do thứ 2, tổng thống đã nghe và nhìn thấy cộng đồng người Việt Nam ở đây rất yêu lao động, cần cù, chăm chỉ và sáng tạo, tận dụng thời gian, thức khuya dậy sớm. Do vậy với tinh thần lao động không ngại gian khó để tạo ra của cải vật chất thì nền kinh tế của Việt Nam phát triển dương là điều bình thường, không có gì ngạc nhiên cả. Cộng đồng người Việt Nam chúng tôi ở đây có khoảng 60 nghìn người và lịch sử để lại cho thấy họ đều là những người đi hợp tác lao động và học tập ở các trường đào tạo nghề, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Hiện nay có những người Việt Nam là phó tổng giám đốc hay kĩ sư trưởng của một số tổng công ty lớn của cộng hòa Séc. Theo tôi, cộng đồng người Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế CH Séc hiện nay.
PV - Người Việt Nam chờ đợi gì ở nước Séc mà họ lại sang Séc?
ĐS - Chúng tôi mong muốn được sự ủng hộ của các cấp chính quyền tại Séc, cộng đồng người Việt Nam tại đây muốn được sinh sống và hội nhập cũng như mong rằng mình sẽ bình đẳng như các công dân ngoại kiều khác của đất nước sở tại. Tôi là đại sứ tại đây, khi gặp gỡ bà con cộng đồng, tôi luôn nhắc nhở họ và nói họ nên xác định đây là quê hương thứ 2 của mình và cần phải chấp hành tốt tất cả các qui định của pháp luật nước sở tại. Việt Nam và CH Séc có sự khác nhau về mặt địa lý và văn hóa, do vậy
mình nên học tập những phong tục tập quán, những nét văn hóa tốt đẹp của CH Séc để hòa nhập với xã hội. Quan trọng nhất là phải tôn trọng những qui định pháp luật của CH Séc. Và tôi tin rằng với sự ủng hộ của quốc hội, của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng của chúng tôi sẽ sớm được công nhận là dân tộc thiểu số của CH Séc. Những người Việt Nam khi sang Séc mong muốn có thể học tập để có ngành nghề, từ kiến thức đã học tập trong nhà trường hay công xưởng thì họ sẽ có một nghể để làm việc trên đất nước này, trong các nhà máy, nông trang hay những công ty nhà nước hay của tư nhân. Để họ có đồng lương bảo đảm cuộc sống cho chính họ và gia đình họ tại đây. Đây là quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được sống, được làm việc.
PV - Điều này thì tôi hoàn toàn đồng ý với ông, nhưng khi ông nói họ sang đây để học tập, đạt được trình độ. Nhưng hiện nay có khỏang 35 nghìn người đang kinh doanh hoặc đi bán hàng rong tại Séc. Vậy họ học cái gì?
ĐS – Ô, Bán hàng cũng phải đi học chứ. Tại sao không? Không học ở nhà trường thì học ở ngoài đời, trên thị trường v.v. Không thể không đi học mà có thể bán hàng. Theo tôi làm việc gì cũng phải đi học. Ông làm phóng viên cũng phải đi học, tôi làm ngoại giao cũng phải đi học.
PV - CH Séc có gì khác biệt nữa không? Như là điều kiện kinh tế tốt hơn với người Việt Nam chẳng hạn?
ĐS - Theo tôi những việc gọi là buôn bán thương mại thì ở đâu cũng vậy. Có hàng hóa thì phải có người mua, người bán. Trong cuộc sống, anh có cái bán ra thị trường thì tôi cũng cần cái tôi mua từ thị trường. Ở Séc hay Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng vậy.Đó là quy luật thị trường. Những chuyện này không có gì là khác nhau.
PV - Nếu mà tôi lấy số dân tại CH Séc là 10 triệu người, vậy nước Séc có gì đặc biệt để người VN sang đây với số lượng lớn như thế?
ĐS - Người Việt Nam cũng sang rất nhiều nước. Ở Hoa Kỳ cộng đồng chúng tôi có khoảng 2 triệu người, ở Đức là khoảng 100 nghìn người, ở Pháp khoảng 250 nghìn người, ở Úc số lượng khoảng 3 đến 400 nghìn người. Có thể ông đã từng ra nước ngoài nhưng chưa quan sát về cộng đồng Việt Nam của chúng tôi.
PV - Ví dụ tôi nói về điều kiện giáo dục, kinh tế tốt hơn?
ĐS - Theo tôi biết những người Việt Nam của chúng tôi ở đây cũng chưa phải số lượng nhiều nhất. Số lượng nhiều nhất phải kể đến là Ukraine, Slovakia v.v. Những người Việt Namchúng tôi cũng không ai muốn phải tha phương cầu thực, cũng giống như những người Séc cũng không hề muốn sang những nước ở Châu Á chẳng hạn để mưu sinh. Người Việt Nam chúng tôi cũng vậy. Nếu đất nước chúng tôi không bị chiến tranh tàn phá, không bị đế quốc áp bức và đô hộ, được thiên nhiên ưu đãi như các bạn thì tôi chắc rằng mọi người chúng tôi sẽ ở lại Việt nam. Chỉ vì mưu cầu hạnh phúc, có những người phải dời bỏ quê hương. Tôi nghĩ người Việt Nam chúng tôi dời bỏ quê hương không thể bằng người Trung Quốc. Người Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống có lẽ phải vài trăm triệu người. Tùy cá nhân, ý thích của con người, họ không thích ở lại quê hương, họ có thể đi nước khác để mưu cầu hạnh phúc. Đó là quyền của họ, điều đó không thể bắt họ làm khác được. Hiện nay, chúng ta đang đề cao quyền con người, tôn trọng dân chủ, nhân quyền. Chúng tôi không thể bắt họ trở về Việt Nam. Việt Nam không có chính sách hay luật pháp bắt một người dân nào phải sống ở đâu. Đây là quan điểm thống nhất của chính phủ Việt Nam chúng tôi.
PV- Cuộc phỏng vấn trực tiếp của chúng ta đến đây đã hết. Xin cảm ơn ngài đại sứ đã dành thời gian đến với đài CT 24.
ĐS- Một lần nữa, tôi xin cảm ơn đài truyền hình trung ương Séc đã cho tôi một cơ hội để có dịp lên truyền hình để cảm ơn chính phủ và nhân dân CH Séc đã giúp đỡ, ủng hộ nhân dân chúng tôi trong công cuộc giải phóng dân tộc cũng như hợp tác tái thiết lại đất nước hiện nay. Xin cảm ơn chính phủ trung ương và các cấp đã ủng hộ tạo điều kiện cho cộng đồng Việt Nam sinh sống, lao động và hội nhập. Và sớm được công nhận là dân tộc thiểu số tại CH Séc.
Nguồn CT24.cz
Bản lược dịch của báo Tuần Tin Mới- Skoda chính thức chào sân Việt Nam với bộ đôi Karoq và Kodiaq(24/09/2023 - 19:41:25)
- Cộng hòa Séc mong muốn hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực(23/05/2023 - 19:53:45)
- Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech ở khu vực(21/04/2023 - 00:00:00)
- Đại hội lần thứ II Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu(17/10/2022 - 19:55:29)
- Long trọng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Cộng hòa Séc(31/08/2022 - 19:37:22)
- ĐSQ Việt Nam tại Séc ghi bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới(03/08/2022 - 19:36:57)
- Việt Nam dự hội nghị Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương(15/06/2022 - 19:50:59)
- Tình hình hỗ trợ sơ tán người Việt Nam từ Ukraine tại Séc và Slovakia(10/03/2022 - 19:49:44)
- Diễn đàn du học CH Séc 2022: Kết nối ước mơ - chinh phục tri thức cho sinh viên Việt Nam(28/02/2022 - 14:50:35)
- Ủy ban ASEAN tại Séc chung tay đồng hành chia sẻ khó khăn với xã hội(21/01/2022 - 09:33:26)