Ngày đăng: 28/01/2012 - 08:59:31
Đoàn Hoài Trung: Muốn được đưa vào danh sách kết nạp Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, người cầm bút phải có ít nhất hai cuốn sách được chú ý, phải có đơn xin gia nhập Hội với chữ ký giới thiệu của hai hội viên. Tất nhiên, đây mới là điều kiện để được đưa vào danh sách xét kết nạp. Thường thì cuối năm, các Hội đồng văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật họp lại xem xét các đơn xin gia nhập, tiến hành phân tích và bỏ phiếu kín. Vấn đề quan trọng là phải hội đủ số phiếu cần thiết (quá bán) của các thành viên trong hội đồng, sau đó danh sách của các hội đồng được đưa lên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, và các thành viên Ban chấp hành bỏ phiếu kín, nếu quá bán thì sẽ trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hàng năm số đơn xin vào hội gần cả 1000 người. Năm nay Hội nhà văn kết nạp 41 hội viên, trong đó tác giả thơ có số hội viên được kết nạp nhiều nhất (19 tác giả); văn xuôi 15 tác giả; lý luận phê bình có 4 tác giả; dịch có 3 tác giả.
Phóng viên: Được biết anh từng học ở Cộng hòa Séc, anh có thể kể lại những kỷ niệm đẹp thời sinh viên tại Cộng hòa Séc?
Đoàn Hoài Trung: Xin cảm ơn lời chúc mừng của anh em EICVN.eu và cũng xin chúc anh em cùng toàn thể độc giả EICVN.eu một năm mới tràn đầy niềm vui trong cuộc sống, hạnh phúc luôn mỉm cười, may mắn đến từng ngày và luôn khỏe mạnh. Trước hết tôi là một người lính, được Quân đội cho sang học tại học viện VAAZ Brno Cộng hòa Séc từ năm 1978. Đầu tiên tôi được học tiếng ở Thành phố Nam Tiệp một năm, sau đó chuyển về Học viện Quân sự VAAZ Brno học chuyên ngành Điện tử hàng không. Trong 5 năm học ở Học viện, các môn học của tôi đều được điểm 1. Tôi tốt nghiệp bằng đỏ tuyệt đối cùng 2 người bạn khác cùng khóa là Võ Hồng Việt và Lê Bá Minh. Những năm tháng học ở Cộng hòa Séc là những năm tháng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Đặc biệt ấn tượng nhất vẫn là tình cảm của nhân dân Séc đã giành cho những sinh viên Việt Nam. Kỷ niệm đẹp tại Cộng hòa Séc thì nhiều lắm, các bạn có thể thông qua tiểu thuyết “Ngọt ngào vị đắng” và “Hoa Tuyết” để biết những kỷ niệm này. Tôi về nước năm 1984, và về công tác tại Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Đà Nẵng thuộc Sư đoàn Không quân 370.
Phóng viên: trang báo mạng EICVN.eu đã đăng toàn bộ tác phẩm “Hoa Tuyết” của anh và được nhiều bạn đọc gửi thư khen, sắp tới chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tiểu thuyết “Ngọt ngào vị đắng” của anh. Anh cho biết tại sao đang từ kỹ thuật anh lại chuyển sang làm nhà báo, nhà văn?
Đoàn Hoài Trung: Tôi phục vụ chuyên ngành kỹ thuật thông tin không quân tại sư đoàn 370 không quân từ năm 1988 đến 2002 , kể cả những năm tháng đi học thì tôi đã có thâm niên hơn hai mươi năm trong ngành thông tin không quân tại các sân bay Đà Nẵng, Phan Rang, Biên Hòa, Cần Thơ, Tân Sơn Nhất và các sân bay ở Cam-pu-chia. Những tháng ngày vất vả cùng đồng đội đã là mạch nguồn tôi viết những bài thơ , bài văn ca ngợi sự hy sinh gian khổ của người lính. Những bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Phòng không-Không quân đã động viên khích lệ anh em trong đơn vị. Một bài báo hay có thể tác động đến cả ngàn binh sĩ, người cầm bút giỏi như là vị tư lệnh một sư đoàn quân. Cảm nhận điều này, nên tôi đã quyết định chuyển hướng sang làm báo. Năm 2002, tôi được điều về báo Phòng không-Không quân làm biên tập viên, năm 2005 tôi được chuyển về báo Quân đội nhân dân làm phóng viên thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2011, tôi được bổ nhiệm Trưởng đại diện Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Anh có thể giới thiệu đôi nét về những tác phẩm văn học của mình ?
Đoàn Hoài Trung: Tôi đã viết khá nhiều tác phẩm trong thời gian ngắn, đó là:
Thơ tình người lính – NXB Thanh Niên
Hoa tuyết – NXB Văn học (truyện vừa)
Tình yêu người lính – NXB Thanh Niên
Bay trong chớp lửa – NXB Quân đội Nhân dân (Truyện ký),
Về nguồn – NXB Thanh Niên (ký sự)
tiểu thuyết “Ngọt ngào vị đắng” Nhà xuất bản Thanh Niên.
-Trở về Điện Biên – NXB Thanh niên
Các tập in chung:
-Thơ trẻ -Thơ in chung TP HCM , NXB trẻ
-Mây trắng bay –Tập thơ nhạc in chung NXB Quân đội nhân dân
-Trận tuyến mới –Truyện ngắn in chung NXB Quân đội
-Tháng chạp 1972-Tập kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội
giải thưởng về văn chương:
-Tặng thưởng tác phẩm “Ngọt ngào vị đắng” của cuộc thi sáng tác văn học tuổi trẻ lần 2 (NXB Thanh Niên và Báo văn nghệ)
-Giải C thơ của Bộ quốc phòng
-Giải C Văn học Cuộc vận động sáng tác Quân chủng Phòng không-Không quân
-Huy chương bạc Liên hoan phim phóng sự toàn quốc năm 2005, Giải C Cuộc thi phóng sự Báo chí về đề tài Quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân
-Giải tư bút ký của Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Hầu hết các tác phẩm của tôi đều về người lính, chỉ có 2 tác phẩm Ngọt ngào vị đắng và Hoa tuyết là viết về thời gian tôi sống, học tập bên Cộng hòa Séc.
Phóng viên: Sau khi đăng tác phẩm Hoa Tuyết nhiều người đã thấy một phần cuộc đời mình ở đó. Anh có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm “Ngọt ngào vị đắng”?
Đoàn Hoài Trung: Tác phẩm Hoa tuyết có thể nói là bức tranh về cuộc sống của anh chị em công nhân sang học tập, lao động tại Cộng hòa Séc vào những năm 1980. Còn Ngọt ngào vị đắng lại là bức tranh về cuộc sống của sinh viên Việt Nam trong những năm đó. Có thể tóm tắt câu chuyện như sau:
Chương một: Bắt đầu từ việc Văn – nhân vật chính của tiểu thuyết – tình cờ gặp Maruska, một cô gái Tiệp Khắc còn rất trẻ đến Việt Nam trong đoàn CH Séc sang chuẩn bị triển khai một dự án liên doanh Viêt-Séc. Cuộc tương ngộ đã làm Văn đau đớn nhớ đến mối tình đã mất với Alena, cô bạn sinh viên cùng học khi Văn còn du học ở Cộng hòa Séc. Từ sự mở đầu câu chuyện như thế, Văn nhớ lại cuộc tình đầy bão táp của mình trong những năm tháng học ở Cộng hòa Séc. Văn mơ hồ có cảm giác cô gái trẻ kia chính là giọt máu của mình.
Chương hai: Văn một lần đi giúp phiên dịch cho Đoàn thiếu nhi Việt Nam tại trại hè thiếu nhi quốc tế và đã gặp Sao Mi, một cô gái Lào từng sống ở Việt Nam.Hai cô gái trong hai hoàn cảnh, Văn sẽ rung động với ai? Một Alena xinh đẹp. Một Sao Mi dễ thương.
Chương ba: Văn thăm gia đình Alena; những kỷ niệm chung đầu tiên và tình yêu đang nẩy nở dần trong Văn và Alena.
Chương bốn: Thông qua những câu chuyện kể về cuộc kháng chiến chông phát xít của nhân dân Tiêp Khắc và nhân vật anh hùng nổi tiếng J.Fuxich, Văn muốn thiếu nhi Việt Nam và Sao Mi hiểu hơn về nhân dân và đất nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa. Tình cảm của Sao Mi với Văn nẩy nở. Sao Mi xuất hiện cũng làm xuất hiện sự ngờ vực trong Alena, nhưng tình yêu của Văn vẫn chỉ dành cho Alena.
Chương năm: Văn tìm đến nhà Alena, nhưng Alena đã đi Bratislava để khuây khỏa. Văn lập tức đến đó tìm cô, nhưng tất cả chỉ là sự mù mịt, vô vọng. Tại đây, Văn gặp Dana – một cô gái nhảy. Trong buồn chán, cô đơn, Văn đã đến với cô ấy như để khỏa lấp sự trống vắng. Một sự tình cờ, Văn,Dana, Alena cùng gặp nhau trong quán nhảy. Văn phải trả giá đắt với Dana và với những anh chàng đeo đuổi Alena, nhưng một tình huống đặc biệt đã đưa Alena và Văn trở lại với nhau.
Chương sáu: Tình yêu mặn nồng trở lại. Alena đưa Văn về ra mắt gia đình mình, cha mẹ cô rất vui mừng. Đang lúc ngập tràn tình yêu, hạnh phúc, Văn nhận được thư của mẹ. Bà cấm anh tuyệt đối không được lấy vợ “ngoại quốc”. Thương mẹ, người đàn bà đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, Văn không thể không vâng lời mẹ mình. Anh chia tay với Alena. Nhưng chỉ sau vài giờ xa cách, tình yêu đã chiến thắng và họ lại đến với nhau.
Chương bảy: Văn đi Plzen thực tập tốt nghiệp, Alena tìm đến. Tình yêu càng sâu nặng, hai người như không thể rời nhau. Nhưng lại một sự cảnh báo mới đe dọa tình yêu. Gặp Ivo Vasilijev, nhà Việt Nam học nổi tiếng và biết thêm những trắc trở đang chờ họ. Thương Alena quá! Một cô gái xinh đẹp, hiền thục và giàu lòng nhân ái như vậy, lại không được yêu, không được mãn nguyện trong tình yêu. Dù Văn vẫn đền đáp tấm lòng cô gái ấy bằng tình yêu chân thành và rất sâu sắc, nhưng trong Văn, nỗi đau bất hiếu với mẹ còn mãnh liệt hơn.
Chương tám: Họ yêu nhau, mãnh liệt, dâng hiến và say đắm.
Chương chín: Văn tốt nghiệp loại ưu tuyệt đối. Mẹ ốm nặng; cuộc gặp với Tham tán Đại sứ quán đã đưa Văn đến quyết định chia tay với người con gái đang hết mực yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh vì anh để trở về Tổ quốc, để lại nỗi tuyệt vọng và cả sự uất hận vô bờ cho Alena.
Chương mười: Văn về nước và cưới Sao Mi. Văn vẫn đau đớn một nỗi buồn
nhớ Alena. Nhưng Sao Mi lại là một người vợ khá mẫu mực và vẹn toàn,
nên dần dần anh đã tìm thấy hạnh phúc của cuộc sống gia đình. Mối tình ngày xưa đã lùi sâu vào quá khứ. Hạnh phúc ngày thêm tràn đầy, khi Sao Mi mang thai. Nhưng tất cả không như Văn tưởng. Anh vừa chôn đi nỗi đau cũ, nỗi tuyệt vọng mới lại đến. Sao Mi đã sinh ra đứa con tật nguyền do di chứng của chiến tranh. Thằng bé nhiễm chất độc da cam đã đưa Sao Mi đến đường cùng. Cô điên loạn và sau đó chết vì bệnh ung thư máu.
Trong cuốn tiểu thuyết cũng có rất nhiều hình ảnh đẹp về đất nước Tiệp Khắc, nơi mà tôi luôn coi đó là quê hương thứ hai của mình.
Vợ chồng Đại tá Đoàn Hoài Trung
Phóng viên: Ngoài viết văn, anh còn làm thơ, anh có thể tặng cho bạn đọc một bài thơ kỷ niệm về những ngày anh học ở Cộng hòa Séc?
Đoàn Hoài Trung: Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Tôi đã làm rất nhiều thơ ca ngợi quê hương, đất nước, gia đình. Thơ của tôi không phải là đặc sắc, nó mộc mạc giản dị, nhưng gần gũi với đời thường, nên đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Tôi đã ra đĩa CD “Vì bầu trời bình yên” phát hành trong Quân chủng Phòng không-Không quân và CD “Vang mãi nhịp quân hành”. Cùng với nhạc sĩ Quỳnh Hợp và nhà thơ Lê Nguyên ra đĩa CD “Lửa hội Điện Biên”. Tôi xin gửi tặng độc giả EICVN.eu một bài thơ Kỷ niệm xa trường:
KỶ NIỆM XA TRƯỜNG
Ta gặp nhau sau bao nhiêu năm
Nhớ buổi chia tay thuở xa xăm
Nơi đất bạn trời Âu, cộng hòa Séc
Gió Tuyết về giá rét căm căm
Thuở đó nào ta có biết gì
Từ biệt mẹ hiền ta ra đi
Ngây thơ, khờ dại, thư sinh lắm
Bụi trần chưa bám, chẳng nghĩ suy
Mười chàng trai trẻ trên chuyến bay
Mạc Tư Khoa thiên đường đẹp thay
Praha trái tim cổ kính
Vltava dòng sông mê say
Đàn thiên nga vui đùa sóng nước
Bồ câu trắng đậu khắp quảng trường
Những người lính bên vườn nông trại
Thấp thoáng học viện VAAZ yêu thương
Bao kỷ niệm đầy ắp tràn về
Buồn vui xen trong nỗi đam mê
Quên sao được lời thề năm ấy
Chưa bằng đỏ , quyết chưa về quê
Bờ -Ru-Nô giờ đã quá xa
Con đường tuyết phủ, thầy giáo già
Ngôi nhà xưa rêu phong tường cổ
Vẫn đọng lại ký ức trong ta
Như đàn chim tung cánh vào đời
Bạn bè ta giờ ở muôn nơi
Góp phần vào công cuộc đổi mới
Cùng chung giữ Tổ quốc bầu trời
Hôm nay bên Hồ Tây đầy nắng
Tóc chúng mình đã có sợi trắng
Thời gian cứ đi trong yên lặng
Ta về đây hoài niệm một ngày xa
Phóng viên: Là kỹ sư điện tử hàng không, nhà báo viết văn, làm thơ, anh còn niềm đam mê nào khác?
Đoàn Hoài Trung: Tôi còn rất nhiều đam mê khác, như hồi ở Cộng hòa Séc tôi ham tập Karate, đá bóng, bơi lội rồi học ảo thuật, học nhẩy đầm , học đánh cờ quốc tế. Tôi đã từng được tham gia đội cờ quốc tế của thành phố Bờ-Ru-Nô đi đánh giải khu vực. Sau này về nước tôi đã từng đoạt giải nhì cờ quốc tế thành phố Đà Nẵng. Còn một đam mê mới gần đây, nhưng khá thành công đó là chụp ảnh. Năm 2002 khi sang làm báo, bắt buộc phải học chụp ảnh để đi tác nghiệp. Ngay chuyến công tác đầu tiên với chiếc máy kiep cũ kỹ tôi đã có những tấm ảnh đăng trang nhất. Sau này tôi bắt đầu học chụp ảnh nghệ thuật. Một thời gian ngắn tôi đã giật hàng loạt giải thưởng các cuộc thi. Tôi được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh chiến sĩ báo Quân đội nhân dân. Mới đây tôi được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và được phong tước Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Bạn đọc có thể vào trang Web: csphoto.vn để xem ảnh của tôi và anh em hội viên.
Phóng viên: anh có mong ước gì trong tương lai?
Đoàn Hoài Trung: Tôi rất muốn tác phẩm Ngọt ngào vị đắng được dịch ra tiếng Séc để mọi người dân Séc hiểu thêm về tình cảm mà tôi đã dành cho quê hương thứ hai của mình. Còn mong ước thì nhiều lắm, tôi đang học lớp đạo diễn điện ảnh, tôi muốn được thử sức mình trong những bộ phim do tôi đạo diễn sắp tới đây.
Phóng viên: Xin chúc anh sẽ đạt được niềm mơ ước của mình.
Một số ảnh chụp thời sinh viên của nhà văn Đoàn Hoài Trung ở Tiệp Khắc:
Đoàn Hoài Trung và các nữ công nhân lao động ở Sazava, một trong những khuôn mẫu của Hoa Tuyết
Đoàn Hoài Trung chụp với nhà Việt Nam học Ivo Vasilijev
Nguồn tin: www.eicvn.eu
- Skoda chính thức chào sân Việt Nam với bộ đôi Karoq và Kodiaq(24/09/2023 - 19:41:25)
- Cộng hòa Séc mong muốn hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực(23/05/2023 - 19:53:45)
- Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech ở khu vực(21/04/2023 - 00:00:00)
- Đại hội lần thứ II Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu(17/10/2022 - 19:55:29)
- Long trọng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Cộng hòa Séc(31/08/2022 - 19:37:22)
- ĐSQ Việt Nam tại Séc ghi bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới(03/08/2022 - 19:36:57)
- Việt Nam dự hội nghị Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương(15/06/2022 - 19:50:59)
- Tình hình hỗ trợ sơ tán người Việt Nam từ Ukraine tại Séc và Slovakia(10/03/2022 - 19:49:44)
- Diễn đàn du học CH Séc 2022: Kết nối ước mơ - chinh phục tri thức cho sinh viên Việt Nam(28/02/2022 - 14:50:35)
- Ủy ban ASEAN tại Séc chung tay đồng hành chia sẻ khó khăn với xã hội(21/01/2022 - 09:33:26)