Tin mới
“Ngọt ngào vị đắng” Tiểu thuyết song ngữ Việt – Séc đầu tiên

Ngày đăng: 31/10/2016 - 00:00:00


Ngày 27/10/2016 tại 13 Chu Văn An, Hà Nội nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Séc và kỷ niệm 98 năm ngày thành lập Nhà nước Tiệp Khắc độc lập (28/10/1918-28/10/2016), Đại sứ quán Cộng hòa Séc phối hợp với Nhà xuất bản Thanh niên đã long trọng tổ chức lễ ra mắt “Ngọt ngào vị đắng”- tiểu thuyết song ngữ Việt – Séc đầu tiên của nhà văn Đoàn Hoài Trung và dịch giả Hilda Suchová.
Tham dự có Ngài Martin Klepetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam và các nhân viên Sứ quán Séc; Họa sĩ Nguyễn Mai Hương, đại diện Nhà xuất bản Thanh niên; bà Trần Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam Séc và một số UV BCH Hội; các giáo viên dạy tiếng Séc và các bạn đọc quan tâm.
 

Đại sứ Martin Klepetko phát biểu ý kiến

Cuốn tiểu thuyết Ngọt ngào vị đắng của Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung, là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống sinh viên Việt Nam tại Tiệp Khắc (nay là Cộng Hòa Séc và Cộng Hòa Slovakia)  thời điểm năm 1978-1984, đó cũng là khoảng thời gian tác giả là sinh viên tại Học viên Quân sự (VAAZ) tại thành phố Brno, Tiệp Khắc.
 

Tác giả Đoàn Hoài Trung giới thiệu về cuốn sách

Sau khi tốt nghiệp bằng đỏ tuyệt đối, Đoàn Hoài Trung đã trở về nước và phục vụ trong ngành không quân suốt 20 năm trên các sân bay Đà Nẵng, Phan Rang, Tân Sơn Nhất và có cả những ngày trên chiến trường Campuchia.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân báo chí Đoàn Hoài Trung đã chuyển sang làm báo Phòng không Không quân, rồi báo Quân đội nhân dân, nay là Trưởng cơ quan đại diện Truyền hình Quân đội tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đọc ”Ngọt ngào vị đắng” chúng ta hiểu thêm về tình hữu nghị hai dân tộc Việt Nam- Tiệp Khắc, thông qua mối tình của chàng sinh viên Việt Nam và cô sinh viên Tiệp Khắc, cũng như cảm nhận được những cảnh đẹp của đất nước Tiệp Khắc như những thành phố cổ kính Praha, Brno, Bratislava…. Tác phẩm như một áng văn chương lấp lánh ngọt ngào như chính cuộc đời của tác giả được nhập vai vào.

Nhà báo Minh Tuấn có viết: “"Ngọt ngào vị đắng" như một câu chuyện mà Đoàn Hoài Trung đã bắt gặp, đã chứng kiến và đã trải qua trong đời mình. Nội dung câu chuyện luôn luôn thể hiện một nỗi đau mất mát trong tình yêu, khát vọng trong tình yêu, đấu tranh vì tình yêu. Dẫu biết rằng, tình yêu là đề tài muôn thuở trong văn chương, thi ca và những tác phẩm nghệ thuật khác, nhưng ở "Ngọt ngào vị đắng" lại là một cái nhìn ở một góc độ khác, góc độ của người xa xứ được yêu và khi đã mất tình yêu.”
 

Tác giả Đoàn Hoài Trung cùng vợ Trịnh Thị Vân Anh

Tác phẩm “Ngọt ngào vị đắng” đã được giải thưởng của  Nhà xuất bản Thanh Niên và tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam nhân kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Thanh niên và cũng được giải thưởng của Hội hữu nghị Việt Séc tại tp Hồ Chí Minh. 

Đã từ lâu,Đại tá Đoàn Hoài Trung đã ấp ủ ý định dịch cuốn tiểu thuyết này sang tiếng Séc như một món quà với vùng đất mà anh coi là quê hương thứ hai.
Nhưng mãi gần đây, cuốn tiểu thuyết mới được vợ chồng chị Hilda Suchová biên dịch và mong ước của tác giả đã thành hiện thực khi Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt- Séc tp Hồ Chí Minh và cá nhân anh Trần Hữu Tưởng giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất ban đầu, được Nhà xuất bản Thanh niên in ấn để cuốn tiểu thuyết  kịp thời ra mắt bạn đọc gần xa vào dịp kỉ niệm có ý nghĩa to lớn này.
 

Tác giả Đoàn Hoài Trung cùng với lãnh đạo và hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc

“Ngọt ngào Vị đắng” được in rất đẹp, xong giá như phần nội dung ở trang bên phải được chuyển dịch và in ngay ở trang bên trái, thì bạn đọc am hiểu cả hai ngôn ngữ có cơ hội tốt hơn, dễ dàng hơn để học thêm, cảm nhận, so sánh, đối chiếu hai ngôn ngữ và cũng có thể đóng góp tìm được những phương án dịch chân thực hơn, xúc tích hơn.

“Ngọt ngào Vị đắng” là cuốn tiểu thuyết song ngữ đầu tiên Việt - Séc, hi vọng cuốn tiểu thuyết song ngữ này sẽ được các bạn trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.

Xin được chúc mừng và chân thành cảm ơn tác giả Đoàn Hoài Trung và dịch giả Hilda Suchová.
 
Tóm tắt nội dung các chương:
 
Chương một: Đoàn Hoài Trung bắt đầu từ việc Văn - nhân vật chính của tiểu thuyết - tình cờ gặp Maruska, một cô gái Tiệp Khắc còn rất trẻ đến Việt Nam trong đoàn Cộng hòa Séc sang chuẩn bị triển khai một dự án liên doanh Viêt-Séc. Cuộc tương ngộ đã làm Văn đau đớn nhớ đến mối tình đã mất với Alena, cô bạn sinh viên cùng học khi Văn còn du học ở Tiệp Khắc. Từ sự mở đầu câu chuyện như thế, Đoàn Hoài Trung đã dẫn dắt người đọc qua từng "đoạn tình" đầy bão táp của Văn ở xứ sở Tiệp Khắc. Văn mơ hồ có cảm giác cô gái trẻ kia chính là giọt máu của mình.
 
Chương hai: Văn một lần đi giúp phiên dịch cho Đoàn thiếu nhi Việt Nam tại trại hè thiếu nhi quốc tế và đã gặp Sao Mi, một cô gái Lào từng sống ở Việt Nam. Hai cô gái trong hai hoàn cảnh, Văn sẽ rung động với ai? Một Alena xinh đẹp. Một Sao Mi dễ thương. 
 
Chương ba: Văn thăm gia đình Alena; những kỷ niệm chung đầu tiên và tình yêu đang nẩy nở dần trong Văn và Alena. 
 
Chương bốn: Thông qua những câu chuyện kể về cuộc kháng chiến chống phát xít của nhân dân Tiệp Khắc và nhân vật anh hùng nổi tiếng J.Fuxich, Văn muốn thiếu nhi Việt Nam và Sao Mi hiểu hơn về nhân dân và đất nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa. Tình cảm của Sao Mi với Văn nẩy nở. Sao Mi xuất hiện cũng làm xuất hiện sự ngờ vực trong Alena, nhưng tình yêu của Văn vẫn chỉ dành cho Alena. 
 
Chương năm: Văn tìm đến nhà Alena, nhưng Alena đã đi Bratislava để khuây khỏa. Văn lập tức đến đó tìm cô, nhưng tất cả chỉ là sự mù mịt, vô vọng. Tại đây, Văn gặp Dana - một cô gái nhảy. Trong buồn chán, cô đơn, Văn đã đến với cô ấy như để khỏa lấp sự trống vắng. Một sự tình cờ, Văn, Dana, Alena cùng gặp nhau trong quán nhảy. Văn phải trả giá đắt với Dana và với những anh chàng đeo đuổi Alena, nhưng một tình huống đặc biệt đã đưa Alena và Văn trở lại với nhau. 
 
Chương sáu: Tình yêu mặn nồng trở lại. Alena đưa Văn về ra mắt gia đình mình, cha mẹ cô rất vui mừng. Đang lúc ngập tràn tình yêu, hạnh phúc, Văn nhận được thư của mẹ. Bà cấm anh tuyệt đối không được lấy vợ "ngoại quốc". Thương mẹ, người đàn bà đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, Văn không thể không vâng lời mẹ mình. Anh chia tay với Alena. Nhưng chỉ sau vài giờ xa cách, tình yêu đã chiến thắng và họ lại đến với nhau. 
 
Chương bảy: Văn đi Plzen thực tập tốt nghiệp, Alena tìm đến. Tình yêu càng sâu nặng, hai người như không thể rời nhau. Nhưng lại một sự cảnh báo mới đe dọa tình yêu. Gặp Ivo Vasilijev, nhà Việt Nam học nổi tiếng và biết thêm những trắc trở đang chờ họ. Thương Alena quá! Một cô gái xinh đẹp, hiền thục và giàu lòng nhân ái như vậy, lại không được yêu, không được mãn nguyện trong tình yêu. Dù Văn vẫn đền đáp tấm lòng cô gái ấy bằng tình yêu chân thành và rất sâu sắc, nhưng trong Văn, nỗi đau bất hiếu với mẹ còn mãnh liệt hơn. 
 
Chương tám: Họ yêu nhau, mãnh liệt, dâng hiến và say đắm. 
 
Chương chín: Văn tốt nghiệp loại ưu tuyệt đối. Mẹ ốm nặng; cuộc gặp với Tham tán Đại sứ quán đã đưa Văn đến quyết định chia tay với người con gái đang hết mực yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh vì anh để trở về Tổ quốc, để lại nỗi tuyệt vọng và cả sự uất hận vô bờ cho Alena.
 
Chương mười: Văn về nước và cưới Sao Mi. Văn vẫn đau đớn một nỗi buồn nhớ Alena. Nhưng Sao Mi lại là một người vợ khá mẫu mực và vẹn toàn, nên dần dần anh đã tìm thấy hạnh phúc của cuộc sống gia đình. Mối tình ngày xưa đã lùi sâu vào quá khứ. Hạnh phúc ngày thêm tràn đầy, khi Sao Mi mang thai. Nhưng tất cả không như Văn tưởng. Anh vừa chôn đi nỗi đau cũ, nỗi tuyệt vọng mới lại đến. Sao Mi đã sinh ra đứa con tật nguyền do di chứng của chiến tranh. Thằng bé nhiễm chất độc da cam đã đưa Sao Mi đến đường cùng. Cô điên loạn và sau đó chết vì bệnh ung thư máu.

Tổng hợp và ghi nhanh: Trần Minh Hiền
Ảnh do Đoàn Hoài Trung cung cấp.

Xem tin theo ngày: