Tin mới
Làm sao để nông sản Việt “thâm nhập” thị trường Séc?

Ngày đăng: 17/05/2017 - 00:00:00

Các sản phẩm nông sản Việt Nam có nhiều ưu thế để xuất khẩu sang thị trường còn nhiều tiềm năng đang bị bỏ ngỏ là Cộng hoà Séc. Tuy nhiên, để được lưu thông sang thị trường này nông sản Việt phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng cũng như ATVS và dịch tễ theo quy định của thị trường châu Âu.

Hội thảo cung cấp thông tin thị trường Séc do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức.
Thiếu hụt cán cân thương mại
 
Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin thị trường Séc vừa được Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu - Bộ Công Thương cho biết: “Quan hệ kinh tế thương mại giữa VN và Cộng hoà Séc có bước phát triển chắc chắn và đều đặn, tuy nhiên chưa có nhiều đột phá. Kim ngạch 2012-2016 trị giá khoảng 250 triệu USD hàng năm nhưng VN hiện vẫn xuất siêu khá lớn sang Cộng hoà Séc”.
 
Tính riêng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN và Cộng hoà Séc đạt hơn 249 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 148 triệu USD và nhập khẩu đạt 103 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, Cộng hoà Séc là một trong những bạn hàng quan trọng của VN tại Đông Âu và Trung Âu.
Với những mặt hàng xuất khẩu chính của VN sang Séc là các mặt hàng truyền thống như giày dép, may mặc, thuỷ sản, phụ tùng máy và thiết bị điện, nông sản...
 
Về hợp tác song phương, tính đến cuối năm 2016, Séc có trên 36 dự án đầu tư vào VN với tổng số vốn đăng ký hơn 108 triệu USD gồm các lĩnh vực sản xuất may mặc, chế biến thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng, khai khoáng. Các nhà đầu tư Séc đã có mặt tại 10 tỉnh thành phố của VN.
 
Phía DN VN cũng có 4 dự án nhỏ đầu tư sang Séc với tổng vốn đăng ký khoảng 5,3 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
 
Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng giữa CH Séc đối với VN là năng lượng, khai khoáng, hạ tầng và phương tiện giao thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp môi trường, công nghiệp quốc phòng và trang thiết bị y tế bệnh viện..
 
Còn theo Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc tại VN- Mr David Jarkisch, tốc độ giao dịch thương mại giữa Việt- Séc phát triển tốt trong vòng 8 năm trở lại đây, từ năm 2008-2016 giá trị đã tăng gấp 3 lần tuy nhiên cán cân thương mại còn thiếu cân bằng.
 
“Cán cân thương mại Việt- Séc thiếu cân bằng, còn nhiều thiếu hụt và chưa xứng với tiềm năng, xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Séc vẫn là chủ yếu trong khi xuất khẩu từ Séc vào Việt Nam còn thấp” - Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc tại VN nhấn mạnh.
 
Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc tại VN- Mr David Jarkisch
 
Những mặt hàng từ Séc xuất khẩu sang VN chủ yếu là máy móc và các thiết bị cơ khí, dụng cụ, phụ tùng khác và sản phẩm từ sắt thép. Ngoài ra, còn có các sản phẩm từ thuỷ tinh pha lê và các sản phẩm đồ uống, bia.
 
Khai thác tiềm năng từ nông sản
 
Đặc biệt, theo Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc tại VN- Mr David Jarkisch, nhu cầu về các sản phẩm nông sản ở Cộng hoà Séc là rất lớn và đang tăng dần qua mỗi năm. Bởi Cộng hoà Séc thuộc Liên minh châu Âu, vậy nên khi hàng hoá được nhập khẩu vào Séc sẽ được lưu chuyển đi các nước trong Liên minh châu Âu.
 
Cùng với đó, theo ông David Jarkisch, đầu năm 2018, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu là một cơ hội tốt cho các sản phẩm nông sản VN vào thị trường Séc nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.
 
“Việt Nam và các sản phẩm VN không hề xa lạ gì với người tiêu dùng tại séc, bởi hai nước có truyền thống quan hệ hợp tác lâu dài và cộng đồng người việt sinh sống tại Séc rất phát triển do đó các sản phẩm VN có ưu thế tốt hơn so với các nước khác như Thái Lan và Trung Quốc. Đặc biệt phải kể đến các sản phẩm nông sản từ Việt Nam” ông David Jarkisch khẳng định.
 
Cụ thể, trả lời câu hỏi về của DN về cơ hội cũng như yêu cầu của thị trường Séc với sản phẩm chè của VN, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc cho biết, Séc là nước sử dụng nhiều sản phẩm từ chè và cà phê, tiềm năng đối với mặt hàng này là rất lớn bởi lượng nhập khẩu từ các nước vào Séc chưa cao, chỉ ở mức khoảng 12 triệu USD/năm.
 
Ông David Jarkisch cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm nông sản vào thị trường Séc phải đảm bảo đầu tiên về yêu cầu chất lượng, ATVS và dịch tế. Đây là yêu cầu để nông sản Việt được lưu hành và cũng là căn cứ để người tiêu dùng Séc đánh giá.
 
Các doanh nghiệp tham gia Hội thảo đều cho biết mong muốn được mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. Bởi quan hệ thương mại Việt – Séc còn nhiều tiềm năng bỏ ngỏ.
 
Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế Séc năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng 2,5% đến 2,8%, xác định đây là cơ hội cho các DN VN muốn xâm nhập thị trường này, nhiều DN VN đã đặt nhiều câu hỏi nhằm tìm hiểu thị trường tiềm năng này.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT PT Y dược Gaphaco cũng đặt câu hỏi về cơ hội xuất khẩu các sản phẩm từ dược liệu quý của Việt Nam sang Cộng hoà Séc cũng như yêu cầu của thị trường này.
 
Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Séc cho biết người tiêu dùng Séc cũng đang có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm dược liệu của phương Đông, Việt Nam lại là nước có thế mạnh về những sản phẩm này, Đại sứ quán Séc sẽ giới thiệu một số nhà nhập khẩu tiềm năng để DN gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
 
Bên cạnh đó, Gaphaco nói riêng và DN VN nói chung có thể tham gia các triển lãm, hội chợ hàng tiêu dùng của Séc để nghiên cứu các chủng loại người tiêu dùng Séc ưa chuộng cũng như tiếp xúc các DN đối tác tiềm năng.
 
Đại diện Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cũng chia sẻ mong muốn được kết nối với các thông tin thị trường, các Hiệp hội DN của Cộng hoà Séc. Hiện việc xuất khẩu sang Séc mới chỉ tập trung ở các DN lớn, trong khi đó các DNNVV và đặc biệt là các làng nghề của Hà Nội đang có định hướng và mong muốn mở rộng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội sang thị trường Séc.

Nguồn tin: Thy Hằng - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp


Xem tin theo ngày: