Tin mới
Dịch giả Ondra Slowik: Những tác phẩm như "Số đỏ" khiến độc giả Czech thú vị

Ngày đăng: 09/12/2019 - 08:26:14

Không chỉ lấy vợ Việt Nam mà cuộc sống và công việc của Ondra Slowik (ảnh, đến từ Cộng hòa Czech) cũng đang gắn liền với nơi đây, dẫu chưa thể như một người bản địa nhưng so với những người nước ngoài ở Việt Nam khác, chất Việt ở Ondra Slowik vượt trội hơn hẳn.

Cách đây 2 năm, anh đã tự dịch tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Czech. Hiện tại, anh cùng một nhóm dịch giả vừa dịch xong một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với anh.
 
* PHÓNG VIÊN: Anh đã tiếp cận văn học Việt Nam bằng cách nào? 
 
* Dịch giả ONDRA SLOWIK: Khi học ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Charles, có một môn học là “Lịch sử văn học Việt Nam”. Và cô Nguyễn Thị Bình (giáo viên dạy tiếng Việt của tôi) có giới thiệu một số tác phẩm văn học của Việt Nam để tôi tìm hiểu. Lúc đó, tôi chưa có khả năng đọc bằng tiếng Việt mà chủ yếu đọc bằng tiếng Anh. Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trong những tác phẩm đầu tiên của Việt Nam mà tôi được tiếp xúc. 
 
Sau này qua tìm hiểu, tôi được biết trước đó có một số tác phẩm dịch từ tiếng Việt sang tiếng Czech như Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi. Từ đó, tôi tìm hiểu và đọc thêm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh phiên bản tiếng Anh. Năm đầu tiên ở trường đại học, tôi cố gắng tìm hiểu văn hóa Việt Nam thông qua những tác phẩm của Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Czech. 
 
* Dù tiếp xúc chưa nhiều, nhưng hình dung ban đầu của anh về văn học Việt Nam là gì?
 
* Cách viết của các tác giả Việt Nam rất khác với phương Tây. Người phương Tây thích hài hước, lãng mạn, người Việt Nam cũng thích lãng mạn nhưng theo một cách khác. Tôi thích những tác phẩm có tính hài hước, thích những gì vui, thú vị. Những tác phẩm viết về chiến tranh của thế giới mà tôi đọc vẫn có tính hài hước nhưng các tác phẩm viết về chiến tranh của Việt Nam thì không có. 
 
* Có phải vì thế mà anh đã tự dịch tác phẩm Số đỏ ra tiếng Czech? Hành trình này diễn ra như thế nào?
 
* Năm 2010, tôi bắt đầu được tiếp cận với Số đỏ qua bản tiếng Anh. Một năm sau, tôi qua Việt Nam du học và đặt ra quyết tâm phải đọc Số đỏ bằng phiên bản tiếng Việt. Khi đọc, tôi thực sự rất ngạc nhiên: “Làm sao mà ông ấy viết thú vị như vậy?”. Tác phẩm phê phán xã hội thời đó, có nhiều chỗ nhạy cảm về tình dục.
 
Đặc biệt, khi viết tác phẩm Số đỏ, nhà văn Vũ Trọng Phụng mới khoảng 24 tuổi. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao trong vòng 3-4 năm mà ông ấy có thể viết được Số đỏ và nhiều tác phẩm khác nữa. Và đặc biệt, Số đỏ có chất lượng rất tốt. Mặc dù lúc đó không có tiền để mua giấy, đời sống thì thiếu thốn nhưng ông vẫn xoay xở được để viết. Chính những điều đó đã thu hút tôi.
 
Ban đầu, tôi cố gắng vừa đọc vừa dịch, chủ yếu là để phục vụ việc học và vì yêu thích. Tiếng Việt của tôi lúc đó còn kém, nên vừa đọc phải vừa tra từ điển. Có những câu mà mình chưa biết, tôi ghi lại vào sổ để tra. Về sau, tôi quyết định dịch đầy đủ tác phẩm này sang tiếng Czech. Quá trình này kéo dài khoảng 4 năm, bắt đầu từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2016. 
 
* So với phiên bản tiếng Anh, Số đỏ theo tiếng Czech của anh có gì khác biệt? 
 
* Trong quá trình dịch từ tiếng Việt qua tiếng Czech, lúc nào không hiểu thì tôi sẽ đối soát với bản tiếng Anh để xem họ dịch từ đó như thế nào. Có từ nào không hiểu, tôi sẽ nhờ bạn bè ở Việt Nam giải thích. Nhưng một số từ tôi cảm thấy không đồng ý với dịch giả tiếng Anh, có cảm giác người đó không thực sự hiểu từ đó.
 
Chẳng hạn từ “ăn mặn”, có lẽ vì lỗi morat ở bản tiếng Việt nên có quyển dùng “ăn mặn”, có bản lại dùng “ăn mận”. Thành ra, ở bản tiếng Anh, dịch giả đã dịch ra thành “ăn mận”; còn tôi dịch sang tiếng Czech thành “ăn mặn”. Vì đây là lời của một bác sĩ nên theo tôi, từ “ăn mặn” hợp lý hơn với hoàn cảnh trong cuốn sách.
 
* Đã có khoảng thời gian đủ để tác phẩm xác định chỗ đứng trong lòng độc giả Czech. Xin hỏi, độc giả nước anh đón nhận tác phẩm này như thế nào?
 
* Ở Czech, mọi người biết đến văn học Việt Nam phần lớn là đề tài chiến tranh, và đề tài đó không quá hấp dẫn. Thêm nữa là về tình yêu, nhưng cách nhìn tình yêu của người Việt khác với người Czech. Nhưng những tác phẩm như Số đỏ thì khiến họ rất thú vị, giúp họ học được nhiều về văn hóa Việt Nam. Độc giả Czech thích đọc những tác phẩm mang yếu tố hài hước.
 
Việc in sách ở Czech hoàn toàn do tôi đi vận động kinh phí và cũng chỉ được một mức vừa đủ để cho việc in ấn, với số lượng khoảng 1.500 cuốn. NXB bên Czech tự bán sách, nhưng hệ thống cũng không được tốt lắm. Và vì không có tiền để quảng bá nên số lượng sách bán được đến nay chưa đến 1.000 cuốn. Tuy nhiên, với những ai đã đọc Số đỏ đều cảm thấy yêu thích và họ đánh giá đây là một tác phẩm thực sự thú vị.
 
* Tới đây, anh có kế hoạch gì đối với các tác phẩm khác của Việt Nam?
 
* Hiện tại, tôi và các đồng nghiệp của mình đã dịch xong một số truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan, dự kiến sách sẽ được phát hành vào năm sau tại Czech, do Chính phủ Czech tài trợ. Tôi thích truyện ngắn của Nam Cao hơn Nguyễn Công Hoan. Thời gian tới, nếu có tác phẩm nào khiến tôi thực sự thích thú, tôi sẽ tự dịch và tìm kiếm quỹ để xuất bản. Bạn có biết tác phẩm nào như Số đỏ không thì giới thiệu cho tôi đi?
 
Dịch giả Ondra Slowik (34 tuổi), tốt nghiệp cử nhân khoa tiếng Việt và tiếng Anh năm 2011, nhận bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ năm 2018 tại Trường Đại học Charles. Anh sống ở Việt Nam được 9 năm, chọn tên Nam làm tên tiếng Việt cho mình. Vợ chồng anh hiện có một cô con gái tên Việt Nam là Mai Lâm, gần 3 tuổi.

Nguồn tin: SGGP (https://www.sggp.org.vn)


Xem tin theo ngày: