Tin mới
NSUT, NGND Thái Thị Liên - Lưu học sinh Việt Nam đầu tiên ở Tiệp Khắc

Ngày đăng: 01/08/2020 - 20:19:26

Đã nhiều lần chúng tôi tự hỏi “Ai là lưu học sinh Việt Nam đầu tiên ở Tiệp Khắc?” Lần trước qua lời kể của các anh chị sinh viên Việt Nam sang Tiệp Khắc năm 1955, khóa sinh viên đầu tiên đi học ở Tiệp Khắc theo Hiệp định ký kết giữa hai nhà nước, chúng tôi đã tìm được 4 cái tên và biết các đã anh học tại Praha từ năm 1952. Và khi KS. Trần Quang Thái chia sẻ bài viết của của ông Trần Công Tâm trên Facebook, được biết thông tin quí giá về người Việt đầu tiên học ở Tiệp Khắc. Thật may mắn, chúng tôi liên hệ được với KTS. TS. Trần Thanh Bình, con trai của Bà và biết được Bà sẽ rất vui khi có đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, những người đã từng học tập và công tác tại Tiệp Khắc tới thăm.

Anh Nguyễn Minh Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc tặng hoa NSUT, NSND Thái Thị Liên
Bốn chúng tôi gồm: anh Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch Hội, hiện anh là Phó Chủ tịch thường trực Hội; anh Nguyễn Trường Sinh, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng thư ký; chị Trần Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội và anh Nguyễn Mạnh Long, cán bộ chuyên trách của Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Trưởng ban thư ký Hội. Chúng tôi mong đợi giây phút, 15:00 ngày Thứ Hai 27/7/2020 để được gặp người phụ nữ rất đặc biệt, người mà chúng tôi chỉ được biết qua những tin trên đài, báo hay tivi và ngay Đêm giao thừa năm vừa rồi chúng tôi đã từng gặp Bà trên màn hình nhỏ. 
 
Căn hộ của Bà ở trong một chung cư cao cấp thật đẹp có tầm nhìn ra Hồ Tây rất lãng mạn. Bà có nước da trắng hồng với mái tóc bạc phơ trông như một Bà Tiên trong những câu chuyện cổ tích. 
 
Bà Thái Thị Liên (sinh ngày 4 tháng 8 năm 1918), là nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ dương cầm. Bà là một trong số nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam tiên phong đồng sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là mẹ của nghệ sĩ nhân dân Trần Thu Hà, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn và kiến trúc sư, tiến sĩ Trần Thanh Bình và là người thầy của nhiều nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. 
 
Sau khi chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp bùng nổ, năm 1946 Bà qua Pháp học ở Nhạc viện Paris (Conservatoire Paris). Tại đây Bà gặp gỡ và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng Phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, em ruột ông Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng do những biến động của thời cuộc, Mùa Xuân năm 1949 Bà đã theo chồng - nhà ngoại giao cách mạng Trần Ngọc Danh - chuyển từ Paris sang Praha. 
 
Bà kể cho chúng tôi Bà bắt đầu học piano từ lúc 4 tuổi. Biết chúng tôi quan tâm nhiều đến thời gian bà sống và học tập ở Praha, Bà vui vẻ kể. Chính phủ Tiệp Khắc đã bố trí cho vợ chồng Bà được ở trong ngôi nhà rất đẹp, nằm trên phố Janáčkovo nábřeží dọc sông Vltava thơ mộng, phía bên kia sông là Nhà hát Quốc gia (Národní divadlo), một công trình văn hóa mà mọi người Séc đều kiêu hãnh và tự hào, ngôi nhà cách không xa Cầu Legií, cây cầu bắc qua sông Vltava ngay cạnh Národní divadlo, nối đại lộ Národní třída với Újezd và Malá strana. Thường tối cuối tuần, ông bà còn thả bộ qua Cầu để đi nghe các buổi hòa nhạc tại Nhà hát. Bà có ngờ đâu mình được ở chính con phố mang tên nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới người Séc Leoš Janáček (1854-1928), mà một trong những tác phẩm của ông Bà sẽ trình diễn trong buổi lễ tốt nghiệp của mình. 
 
(Xin chia sẻ thêm phố Janáčkovo nábřeží nằm ở bờ tả sông Vltava, khu Smíchov, Praha 5, bắt đầu từ Cầu Palacký (Palackého most), qua Cầu Jiráskův (Jiráskův most) và kết thúc ở Cầu Legií (Most Legií). Từ đầu thế kỷ 20 con phố được mang tên Janáčkovo nábřeží. Ngôi nhà Bà ở là nhà số 133/61 theo những thông tin chúng tôi tìm được trên google maps.)
 
Để thực hiện được ước mơ chinh phục những phím đàn Bà bày tỏ nguyện vọng muốn được tiếp tục theo học ngành biểu diễn piano. Nhưng để được vào học ở Nhạc viện Quốc gia Praha (Státní konzervatoř v Praze) Bà phải vượt qua môn thi năng khiếu đầu vào, để Hội đồng xem xét liệu bà có đủ trình độ tối thiểu vào học không? Tiếp đó Bà phải thi để Hội đồng phân loại xem sẽ xếp Bà vào lớp nào? Và lần thứ ba thi để Hội đồng đánh giá trình độ đàn của Bà. Sau ba lần thi, trình độ đàn của Bà thuộc trình độ năm thứ năm, năm cao nhất nhưng muốn để có tấm bằng của Nhạc viện Quốc gia Praha, với trình độ của mình Bà phải học thêm 2 năm nữa để bổ sung kiến thức toàn diện và thi các môn. Chỉ có hai năm học 1949/1950 và 1950/1951 người phụ nữ Việt Nam khuê các nhỏ nhắn, lưu học sinh Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc đã làm nên một kỳ tích: đã tốt nghiệp xuất sắc, thi xong tất cả các môn của chương trình học dành cho hệ 5 năm của Nhạc viện Quốc gia Praha (chỉ được miễn môn tiếng Séc và môn thể dục), một nhạc viện lâu đời nhất của Trung Âu, được thành lập năm 1808, một nhạc viện danh giá ở Châu Âu chỉ sau Nhạc viện Paris. Lúc đầu Bà học qua tiếng Pháp, sau Bà học qua tiếng Séc. 
 
Như đoán được điều chúng tôi muốn hỏi, bà hỏi chúng tôi trước. “Các cháu có còn nhớ từ zmrzlina không?” 
 
Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ôi, bao nhiêu năm rồi Bà vẫn còn nhớ, vẫn phát âm rất chuẩn để cả mấy chúng tôi cùng bật cười, phấn khởi và ngưỡng mộ “Bác vẫn còn nhớ từ đó ư?” Bà bảo cái từ ấy nhiều phụ âm quá, tiếng Séc có nhiều từ có nhiều phụ âm quá. Tất cả đều vui cười.
 
Hai năm học mà phải thi tất cả các môn học của năm năm học, một thách thức không nhỏ, hơn nữa cuối năm 1949 (lúc ấy bà 31 tuổi) tại Praha cô con gái cưng của ông bà đã chào đời với tên khai sinh là Marian Praha Danhová (Khi về Việt Nam được đổi lại thành Trần Thu Bạch Hà, để kỷ niệm về Mùa Thu Praha), sau này là GS. TS. NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Khi đó, vì tình yêu với âm nhạc Bà hàng ngày phải đem con gái đi gửi nhờ bà Tiệp trông nom giúp để có thời gian cho việc học. Bà cho chúng tôi xem một số ảnh Bà chụp những năm tháng ở Praha. Ngày ấy, khi ra phố Bà đều mặc áo dài, ấy vậy cô gái Việt Nam quí phái như Bà với tà áo dài thướt tha cũng biết xuống quay maniven những lúc ô tô chết máy. Chúng tôi quá ngưỡng mộ! Bà nói, bà học lái xe ở Việt Nam, khi ấy học lái xe dễ lắm. Thời gian ở bên Pháp Bà vừa làm thư ký, làm phiên dịch trong những cuộc họp quan trọng và làm cả lái xe riêng cho Trưởng Phái đoàn của Việt Nam khi cần. Và thời gian ở Praha nhờ biết lái xe mà Bà đã làm được nhiều việc có ích khác. 
 
Trước khi bà tốt nghiệp, ông Trần Ngọc Danh, chồng bà đã phải trở về nước nhận nhiệm vụ khác. Ngày 22/4/1951 lúc 19 giờ 30 tại Phòng hòa nhạc của tòa nhà Dům umělců (nay là Galerie Rudolfinum trên Quảng trường Jan Palach, bên hữu ngạn sông Vltava) Bà đã trình diễn chương trình hòa nhạc tốt nghiệp của mình (Absolventský večer) với những bản nhạc của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Giuseppe Domenico Scarlatti (người Ý), Johann Sebastian Bach (người Đức), Ludwig van Beethoven (người Đức), Dmitrij Kabalevskij (người Nga) và những nhà soạn nhạc người Tiệp Vítězslav Novák, Leoš Janáček và Bedřich Smetana. 
 
Bà kể cho chúng tôi, khi học ở Praha mọi người thường gọi tắt bà là “Lien Danhová” và tên đầy đủ đăng ký đi học của Bà là “Lien-Tran-ngoc-Danh”. Bà vẫn nhớ tên của phụ nữ phải có cái đuôi “ová”.
 
Sau khi tốt nghiệp loại ưu, Bà viết thư hỏi ý kiến chồng xem có nên ở lại Praha tiếp tục học hệ cao hơn về âm nhạc theo gợi ý của Nhạc viện Praha không? Nhưng bức thư trả lời, động viên Bà ở lại học thêm đã đến quá muộn, khi bà đã chuẩn bị xong mọi thứ, đã mua vé máy bay từ Praha về Bắc Kinh để cùng con gái trở về nước vào cuối năm 1951. Những ngày tháng tiếp theo và những chuyện khác liên quan đến bà Thái Thị Liên chúng tôi xin phép sẽ chuyển tới các bạn đọc ở một bài báo khác.
 
Giờ thì vẫn là những câu chuyện liên quan tới Praha. Bà kể tiếp, hồi đấy các thày cô giáo, các giáo sư của Tiệp Khắc dạy Bà đã rất thích các món ăn Việt Nam. 
 
“Ở Tiệp lúc đó Bác lấy gì để nấu các món Việt Nam ạ?” – Chúng tôi hỏi Bà.
 
“Bác được mẹ tiếp tế từ Việt Nam sang. Rồi được tiếp tế từ Pháp sang…”
 
12 vị khách được Bà mời ai cũng khen cơm Việt Nam ngon và thích lắm. Bà kể cho chúng tôi thêm những kỷ niệm vui khi đi chợ mua thực phẩm v.v. 
 
Anh Trần Thanh Bình kể tiếp năm 1981, Bà đã cùng con trai út Đặng Thái Sơn thăm lại Praha, sau khi Đặng Thái Sơn đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Chopin ở Ba Lan. Bà vẫn nhận ra ngôi nhà năm xưa mình từng ở trên con phố Janáčkovo nábřeží thanh bình. Bà đã đến thăm ngôi trường năm xưa của mình, gặp lại và mời được bà giáo của mình đi dự buổi biểu diễn của con trai. Sau này, vì tình yêu với đất nước Tiệp Khắc của Mẹ, NS Đặng Thái Sơn đã nhiều lần nhận lời trở lại đây để biểu diễn và làm Giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc danh tiếng. Bà cũng nhớ lại năm 1955 khi lần đầu Bà quay lại thăm Tiệp Khắc, để thực hiện đĩa nhạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam DCCH do hãng thu âm nổi tiếng của Tiệp Khắc với thương hiệu Supraphon ấn hành. Đĩa hát có tên gọi “Dân ca Việt Nam” (Folk Songs from Vietnam) do nữ ca sỹ Minh Đỗ thể hiện với phần đệm nhạc  piano của bà Thái Thị Liên gồm các bài Cò lả, Qua cầu gió bay, Có cái trống cơm, Ru con Nam Bộ và Con ngựa ô do Nhạc sỹ Thái Thị Lang, chị gái của bà viết cho piano solo.
 
Thời gian trôi nhanh quá, chúng tôi muốn nghe thêm những chuyện ngày xưa của Bà khi ở Praha, người mà đến lúc này chúng tôi mới biết đó là lưu học sinh Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc, (thế mà ngài Atonín Novotný, vị Chủ tịch nước Tiệp Khắc giai đoạn 1957-1968 đã ghi nhận điều đó từ lâu rồi), nhưng e sợ Bà sẽ mệt khi ngồi lâu và nói nhiều. 
 
Phải nói lời chia tay với Bà, anh Nguyễn Minh Hồng rất muốn Bà chấp nhận điều mong muốn của chúng tôi “Nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên, lưu học sinh Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc, là hội viên danh dự Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc.”
 
Xin chân thành cảm ơn NSUT, NGND Thái Thị Liên và con trai Bà – KTS Trần Thanh Bình, đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện đầy thú vị với những kỷ niệm thật ngọt ngào. Còn vài ngày nữa Bà sẽ đón sinh nhật lần thứ 102 của mình, Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc xin kính chúc Bà sức khỏe và hạnh phúc. 
 
Ghi nhanh Trần Minh Hiền

Xem tin theo ngày: