Tin mới
Người Việt ở CH Séc

Ngày đăng: 21/07/2009 - 07:58:25

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở CH Séc có khoảng trên 60.000 người Việt sinh sống

Người Việt sang Cộng Hoà CH Czech khoảng 25 năm trước đây, kể từ khi Nhà nước có chính sách gửi công nhân lao động, học nghề sang Tiệp Khắc (cũ) học tập, lao động. So với các cộng đồng người nước ngoài sống ở CH Czech thì Cộng đồng người Việt được đánh giá là cộng đồng nước ngoài đoàn kết, và phát triển mạnh tại đây.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở CH Czech có khoảng trên 60 ngàn người Việt sinh sống, trong đó, đa phần là những du học sinh, công nhân đi lao động hợp tác. Thạc sĩ Trần Quang Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại Sapa tại thủ đô Praha  cho biết: “Người VN sống tại CH Czech chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sau sự kiện Cách mạng Nhung năm 1989. Bà con là những người đã từng sang học tập làm việc tại CH Czech rồi ở lại làm việc hoặc chuyển sang kinh doanh. Đứng trước tình hình đó, năm 1992 Hội doanh nghiệp VN tại CH Czech được thành lập. Cho đến bây giờ, Hội Doanh nghiệp Việt Nam cũng là một trong những Hội đóng góp rất nhiều vào đời sống của cộng đồng.”

So với các cộng đồng người nước ngoài khác sinh sống tại CH Séc, cộng đồng người Việt Nam được đánh giá là cộng đồng đoàn kết và hội nhập tốt hơn vào nước sở tại. Tuy nhiên, khi nước này gia nhập EU, biên giới giữa các nước mở cửa, cũng khiến việc kinh doanh của người Việt trở nên khó khăn. Chị Thuỳ Ngân, sang Czech cách đây 20 năm và đã chứng kiến nhiều đổi thay ở nước sở tại bộc bạch: “Mỗi lần có biến động về mặt chính trị, họ lại ra những điều khoản mới. Để theo được, cộng đồng người ngoại quốc, trong đó có người Việt Nam lại phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, nâng cấp cửa hàng, đầu tư thêm vốn nên mỗi lần như vậy cũng gặp không ít khó khăn”.

Trong số những người Việt ở đây, có không ít người tự tay gây dựng và trở thành chủ doanh nghiệp làm ăn có uy tín ở nước sở tại, song có nhiều người cũng thật vất vả với cuộc sống mưu sinh nơi đất khách. Chị Đặng Thị Hằng, gian hàng thực phẩm Châu Á Trung tâm thương mại Sapa cho biêt: Gia đình chị sang Czech năm 1993, lúc mới sang chưa biết tiếng nên cuộc sống khá vất vả, cả hai vợ chồng vừa bán hàng ở chợ vừa tranh thủ học tiếng. Rồi bên cạnh việc giúp đỡ chị bán hàng, anh tham gia vào các hoạt động cộng đồng ở Trung tâm thương mại Sapa. Đến nay thì cuộc sống cũng ổn định. Chị kể: “Lúc đầu mới sang mình bán quần áo. 4 năm nay chuyển sang bán hàng thực phẩm trong đó có đồ của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Tiệp. So với hàng thực phẩm của các nước thì hàng của Việt Nam không chỉ được cộng đồng ưa thích, người Tiệp ưa thích mà rất nhiều người ngoại quốc sống ở  Czech ưa chuộng. Chính vì thế mà công việc kinh doanh của gia đình cũng  thuận lợi”.

Cũng như nhiều người Việt xa quê, anh Nguyễn Sơn sang Czech năm 1987 theo học ngành hoá vận hành. Do cuộc sống mưu sinh nơi đất khách đã đưa anh trở thành doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Mặc dù những năm gần đây do khung hoảng kinh tế và những thay đổi về Luật pháp đã khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng như cộng đồng người Việt ở Czech gặp không ít khó khăn, nhưng anh Nguyễn Sơn vẫn rất lạc quan và cũng đang ấp ủ những dự định cho việc đầu tư tại quê nhà. Anh  chia sẻ: “Làm ở  đây hay ở quê nhà cũng đều phải nghiên cứu thị trường thì mới thành công. Tuy nhiên ở quê nhà thì dù sao mình cũng là người VN. Những năm gần đây Chính phủ cởi mở nhiều, có nhiều ưu đãi cho người VN ở nước ngoài. Do vậy, tôi nghĩ người VN ở nước ngoài sẽ trở về nước ngày một  nhiều.”

Dù sinh sống, làm việc hay kinh doanh ở nước sở tại thành công hay chưa được thành công như mong muốn, nhưng so với người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới thì cộng đồng người Việt ở  Czech được đánh giá là một cộng đồng đoàn kết, có trách nhiệm, uy tín không chỉ ở nước sở tại mà còn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Anh Trần Quang Hùng nói: “Là người quản lý chính ở trung tâm thương mại Sapa, chúng tôi sẽ còn phải làm nhiều việc để làm sao trung tâm thương mại là một mô hình hiện đại ở cộng đồng chung Châu Âu. Hơn nữa, Hội Doanh nghiệp phải có những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, hướng dẫn và tạo cho họ cơ hội tiếp xúc, hiểu biết thêm về luật  pháp và phải xây dựng văn hoá chợ của bà con ở đây. Về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thì chúng tôi có tổ chức lớp học tiếng Việt, tổ chức các chương trình văn nghệ cho thiếu nhi, làm sao để qua đó các cháu hiểu  thêm về cội nguồn dân tộc. ”

Dù cuộc sống nơi xa xứ vẫn còn những khó khăn, vất vả nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người luôn tự hào mình là người Việt Nam. Và đã là người Việt thì dù sống ở đâu, làm gì họ cũng luôn cùng nhau xây dựng hình ảnh tốt đẹp về bản sắc văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại./.

Nguồn tin: VOVNEWS


Xem tin theo ngày: