Tin mới
Gặp gỡ với một đồng tác giả cuốn Từ điển Séc- Việt

Ngày đăng: 29/07/2009 - 14:54:57

Tiếp theo những nỗ lực của BCH Hội hữu nghị Việt Nam - Séc trong việc tìm lại và gắn kết các thế hệ người Việt Nam đã từng học tập và làm việc tại Tiệp Khắc trước kia, tối 12/7, tại nhà hàng bia tươi GOLDMALT, 410 phố Xã Đàn, Quận Đống Đa, Hà Nội, đại diện BCH Hội - ông Phan Đăng Điều, Phó chủ tịch thường trực và một nhóm biên tập Trang thông tin điện tử của Hội đã có cuộc gặp mặt thân mật với anh Trần Xuân Đàm, chủ biên và cũng là đồng tác giả cuốn từ điển Séc - Việt cùng với một số anh chị cựu sinh viên học cùng thời với anh Đàm.

Mặc dù tối hôm đó bão số 4 đang đổ bộ vào đất liền, mưa ở Hà Nội như trút nước nhưng mọi người như đã hẹn trước, đều có mặt đầy đủ và sớm hơn giờ hẹn.

      Trong không khí đầm ấm và tràn ngập hương vị Séc, anh Đàm đã kể lại những kỷ niệm không bao giờ quên khi nhóm thiếu niên Việt Nam đầu tiên gồm 100 em và 3 thầy giáo đặt chân lên đất Tiệp (vùng Chrastava- Liberec) và quá trình học tiếng, học văn hoá với các thầy, cô người Séc…. Tôi được biết (qua trang tư liệu Kronika Chrastavy và lời kể của chị Nguyễn Thị Bảng), đoàn thiếu niên Việt Nam ngày ấy có vinh dự và hạnh phúc to lớn, được đón Bác Hồ đến thăm tại Nhà thiếu nhi Chrastava nhân dịp Bác cùng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta thăm chính thức Tiệp Khắc  tháng 7/1957. Thật vô cùng cảm động, một vị Lãnh tụ bận trăm công ngàn việc quốc gia và đối ngoại quốc tế nhưng vẫn dành thời gian nửa ngày để thăm nom việc ăn ở, học hành của các cháu, động viên các thầy giáo VN cố gắng làm việc và cảm ơn Ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và các thầy, cô giáo phía Bạn đã hết lòng quan tâm dậy bảo con em mình… Chuyện này cứ nối tiếp chuyện kia, bên ngoài trời  mưa nặng hạt, bia tươi Goldmalt được nhân viên phục vụ bổ xung đều đều. Không khí buổi gặp mặt càng về sau càng vui, bởi mọi người có rất nhiều chuyện, nhiều kỷ niệm muốn chia sẻ. Tranh thủ lúc vui vẻ chạm cốc, tôi nhẹ nhàng hỏi anh xem ngày ấy mọi người ăn ở ra sao, có nhớ nhà nhiều không, nhận thư và gửi thư về gia đình thế nào?... Nói chung tôi hơi tò mò, muốn biết nhiều chuyện về cuộc sống tinh thần của đoàn thiếu niên ngày ấy… Anh chỉ cười và rằng: Lúc đầu cũng nhớ gia đình, nhớ quê hương lắm nhưng việc học hành, luyện tập cuốn hút liên tục cộng với sự quan tâm về mọi mặt chu đáo của các thầy, cô người Tiệp nên nỗi nhớ cũng vơi đi… 

Vậy có kỷ niệm nào từ thời ấy vẫn làm anh xao xuyến, nhớ nhung không? (cười to) Làm gì có chuyện ấy, chỉ có học thôi, mọi người đều biết cả, quãng đời du học ai cũng có nhiều kỷ niệm và đối với tôi kỷ niệm nào cũng đẹp, đáng nhớ... Tôi hiểu, với anh những sự kiện ấy như mới xẩy ra hôm qua, sống động và ngập tràn niềm tự hào về một thời trai trẻ. Vậy mà thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ, những người bạn đi Tiệp ngày ấy đến hôm nay ai còn, ai mất, gia cảnh ra sao, đang ở đâu, gặp mặt liên lạc thế nào?... Nghe anh nói điều mong ước giản dị đó, tôi có suy nghĩ và cảm thấy như còn mắc nợ rất nhiều với những người mà từ lâu lớp “liền em” chúng tôi vẫn thầm biết ơn và cảm phục.

   Vậy là ý định gặp tác giả cuốn Từ điển Séc-Việt để ghi chép lại quá trình hình thành và thực hiện việc làm Từ điển hòng mang tới chút thông tin cho độc giả của website Hội chưa làm tôi toại nguyện, bởi anh Đàm không muốn nói nhiều về mình, càng không muốn đề cập tới cái gọi là công lao, đóng góp này nọ… Trước sau chỉ khẳng định: ”Đây là công trình tập thể, mọi người đóng góp là chính, tôi chỉ biên tập lại, hiệu đính sau đó gửi đánh máy”. Theo anh, cuốn sách này chưa thể gọi là Từ điển theo đúng nghĩa của nó, bởi ngay từ khi bắt tay vào làm, các anh các chị cũng chỉ có ý định gửi lại cho lớp các em học sinh, sinh viên sau này một cái gì đó để hỗ trợ học tập, có ai dám nghĩ mình soạn Từ điển đâu, vì vậy cuốn sách ấy vẫn còn nhiều lỗi chính tả ở phần tiếng việt (do máy chữ),

phần từ ngữ chưa thật đầy đủ, phần giải nghĩa cũng có những hạn chế nhất định.   Anh nói như giải thích rằng: “Chúng tôi đã làm cuốn sách  này bằng tất cả tình cảm và trái tim mình! Không có một quyết định nào của cơ quan cấp trên về việc này và vì thế không có một đồng kinh phí. Với những người tự nguyện tham gia thì đây là công việc mới mẻ bỡ ngỡ, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.  Theo anh: “Từ điển nào sau một thời gian cũng phải được cập nhật hoặc biên soạn lại vì ngôn ngữ không đứng yên tại chỗ và sai sót chỉ khi dùng mới lộ ra. Thế mà, cuốn này đã 40 năm rồi, cứ in đi in lại như vậy, không hề được chỉnh lý tý nào. Không phải là chúng tôi không luôn nhớ tới trách nhiệm đó, mà chỉ vì lực bất tòng tâm“

Tôi hiểu, anh và các bạn của anh ngày ấy có tâm sự và nhiều trăn trở với “Đứa con tinh thần” của mình, luôn muốn nó hoàn thiện hơn, chững trạc hơn, nhưng biết làm được gì lúc này. Thay vì trả lời những câu hỏi tiếp theo của tôi, anh đùa dí dỏm: “Nếu em có cô bạn gái xinh đẹp mà sau 40 năm vẫn trẻ trung như ngày nào mới quen, chắc em sẽ rất hạnh phúc và sung sướng”. Chúng tôi được một phen cười sảng khoái bởi bữa bia tươi Goldmalt hôm nay là để vui gặp mặt, hỏi han tìm hiểu gì hãy tạm gác lại một bên, mọi người đều đề nghị như vậy nên tôi cũng không còn cách nào khác phải ghi nhanh lại lời tâm sự của anh: “… Mong mọi người hãy ghi nhận cuốn sách này như một món quà trí tuệ của thế hệ chúng tôi gửi tặng”

Khiêm nhường, giản dị và chân thành là tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được từ anh, một con người đã có những đóng góp đáng trân trọng nhưng luôn luôn nghĩ tới cái chung, nghĩ tới người khác và nghĩ về công việc.

 

 


Hà Nội 25/7/2009

Nguyễn Tiến Hưng CLB Văn hóa-Ngôn ngữ Séc


Nguồn tin: BBT


Xem tin theo ngày: