Tin mới
Những ngày vui tháng 8

Ngày đăng: 02/09/2009 - 12:49:27

Trong không khí phấn khởi, nhộn nhịp của dân tộc chuẩn bị kỷ niệm 64 năm ngày Quốc khánh 2-9, Hội hữu nghị Việt-Séc đã tổ chức nhiều hoạt động văn, thể, mỹ. Tuy qui mô không lớn nhưng đây là những sinh hoạt thiết thực, gần gũi với cộng đồng người Việt mà nhiều năm tháng trong cuộc đời họ đã từng gắn bó với đất nước Tiệp khắc trước đây, CH Séc ngày nay.

Rất có thể từng con người cụ thể chưa một lần bước chân tới Tiệp Khắc, thậm chí chưa biết CH Séc nằm ở đâu trên bản đồ thế giới nhưng tôi biết tình cảm họ dành cho đất nước bạn bè này là chân thành, sâu sắc. Họ yêu CH Séc qua những bản nhạc của Antonín Dvořák, Bendřich Smetana; yêu văn học Séc qua Božena Němcová, Jaroslav Seifert, Vítězslav Nezval, Fráňa Šrámek… thích thú nghe các bài hát thể hiện bởi Karel Gott, Valdemar Matuška, Helena Vondráčková… hay đơn giản hơn qua tên hiệu các sản phẩm Favorit, Eska, Škoda, Karosa…nổi tiếng nữa là Pha lê Bohemia, hóa chất Bochemie, động cơ ČKD và đỉnh cao của mọi sự ưa chuộng là bia Séc (PIVO). Ở CH Séc người ta gọi là vàng nước còn ở Việt Nam thường được biết đến và ngưỡng mộ thông qua các nhà hàng nấu bia tươi theo công nghệ và nguyên liệu nhập từ CH Séc tên tuổi như: Golmalt, Hoa Viên, Pragold… Sau một ngày làm việc nặng nhọc, vất vả trong cái nóng nhiệt đới kinh người, vị thơm ngon đăng đắng (chết người), quyến rũ đặc trưng Séc này làm chúng ta rơi vào thế giới huyền ảo của sự say mê, đậm đà hương vị, càng uống càng thèm muốn cho đến khi ngất ngây. Cái khát ở đây là khát vọng được thưởng thức, đắm mình trong nỗi đê mê êm dịu để rồi sau đó trở về, con người lại thấy như trong mình trỗi dậy một cảm súc mới, thèm khát mới, ý tưởng mới đối với cuộc đời này. Nhưng mọi lời tốt đẹp về “bia Séc” sẽ chỉ là thừa nếu như ai đó một lần tới được Praha, CH Séc để ngồi uống bia ở U Fleku, V Chyni hay ngay trong hầm bia của những cơ sở sản xuất nổi tiếng như Plzeň, Gambrinus, Budvar, Staropramen…

 

Và câu chuyện mở đầu cho những ngày vui tháng tám là chuyến đi công tác của đại diện Ban thư ký theo sự ủy nhiệm của Lãnh đạo Hội hữu nghị Viêt Nam - Séc vào tp. Hồ Chí Minh (24-26/8) với mục đích cập nhận thông tin, củng cố hoạt động cơ sở, trao đổi về việc đăng ký hội viên, chuẩn bị phát thẻ. Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng rất cụ thể giữa Ban thư ký với ông GS. TS. khoa học Phạm Phố, Chủ tịch chi hội tp. Hồ Chí Minh; qua điện thoại với ông Hoàng Mười, Phó chủ tịch chi hội, chủ tịch CLB Praha đã cung cấp thêm thông tin và giải đáp các vướng mắc của chi hội hiện nay. Nhân đó tổ chức buổi giao lưu chân tình và cảm động với các bạn hữu, hội viên. Tuy không đông nhưng diễn ra thật cảm động và chân tình có cả mấy bạn Séc tham dự. Nhiều người thậm chí sau 37 năm mới gặp lại, suýt nữa không nhận ra nhau. Rất hân hạnh chúng tôi mời được anh Trần Xuân Đàm, một trong ba đồng tác giả cuốn từ điển Séc-Việt mà toàn dân Việt Nam học tập, sinh sống ở Tiệp Khắc trước đây, CH Séc ngày nay đều thường xuyên sử dụng. Ngay ở Việt Nam các nhà chuyên môn ngôn ngữ: a. Châu, a. Hưng, c. Hiền, c. Hoa… đều dùng đến hàng ngày phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật. Anh vẫn khiêm tốn như lần gặp trước ở Hà Nội, thân mật hòa mình vào kỷ niệm, hồi tưởng. Chúng tôi chuyện trò sôi nổi đến mức trở thành khách ra về cuối cùng của nhà hàng Hoa Viên, 28B Mạc Đĩnh Chi. Tình yêu với CH Séc với ngôn ngữ Séc vẫn còn nguyên như năm xưa mặc dù nhiều người phải công nhận là chỉ còn nghe hiểu chứ không tự nói ra được (chùm ảnh SGN).

 

Đến hẹn lại lên, tối 28/8 tại nhà hàng nấu bia tươi Goldmalt, 410 Xã Đàn, Hà Nội đơn vị tài trợ thường xuyên của Hội, nơi đăng ký sinh hoạt CLB văn học-nghệ thuật Bohemia (tầng 5), đúng 18h00 các hội viên đã lần lượt tề tựu, đăng ký. Anh Phan Đăng Điều, Phó chủ tịch thường trực Hội luôn là người có mặt rất sớm động viên hội viên. Không khí mỗi lúc thêm sôi nổi khi bên cạnh các bạn Việt là sự xuất hiện của hai Češi đẹp trai, anh Bohdan Z. có vợ là người Việt và anh Martin M. đang công tác tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Họ rất am hiểu Việt Nam và gần gũi, thân thiết với CLB. Sau ba tuần bia thơm ngon cùng các món nhậu dân dã của nhà hàng trong đó nổi bật là món đặc sản Séc - Guláš, các bài hát Séc tự nhiên được xướng lên, ngân vang. Đã vài chục năm nhưng chẳng mấy ai quên mà có quên thì đã có bản in của anh Đoàn Dũng, phó chủ nhiệm CLB sưu tầm, in sẵn cung cấp ngay. Những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ nhiệt thành, kham khổ nhưng đầy tự hào được ôn đi nhắc lại. Không khỏi ngậm ngùi khi nhắc tới nhiều bạn cùng học đã không còn hoặc đang phải vươn lên vượt khó ở đâu đó.

Chúng tôi cùng nhau nghe bài thơ “Viết về hai quê hương” của Do.Honza:

 

Tôi sẽ viết về Tiệp Khắc của riêng Tôi

Quê hương thứ hai dạy dỗ tôi nên người

Tôi sẽ viết về Việt Nam quê mẹ tôi

Nơi sinh ra tôi và ru tôi trên nôi…

 

Sau ít phút lắng đọng trong hồi tưởng chúng tôi lại tiếp tục sôi nổi bàn luận, cuộc sống là như vậy. Život jde dál.

Anh Hưng, chị Mùi, chị Hiền, chị Phương Liên …, các cây viết, văn nghệ nhiệt thành, những người tinh tường trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, ngôn ngữ Việt – Séc đều có mặt.

Anh Phạm Thành Hưng, PGS. TS. khoa văn học, trường Đại học Quốc gia Hà Nội chân thành tặng CLB hai mươi cuốn sách “CH Séc, đất nước, con người”, một phút tranh luận công khai, CLB quyết định bán đấu giá lấy tiền lập quĩ “Tài trợ nhân đạo” sau này.

Ngay lập tức quĩ đã có 210.000đ.

Nhiều mạnh thường quân khác cũng hưởng ứng đóng góp thêm cho quĩ hoạt động của CLB (ngoài phí hội viên) hàng trăm nghìn tới 1.000.000đ.

Sau 23h00, buổi sinh hoạt lần thứ 2 của CLB kết thúc, có thể nói đã thành công tốt đẹp.

(chùm ảnh Goldmalt).

 

Ngày 29/8 theo kế hoạch của Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, vẫn với sự hiện diện của ông Phan Đăng Điều, Phó chủ tịch thường trực hội, ông Nguyễn Mạnh Long, Phó tổng thư ký, trận giao hữu bóng đá giữa đội Booskateshop (thành viên của Hội hữu nghị Việt – Séc) và đội Ngoại giao đoàn diễn ra sôi nổi trên sân Vạn Phúc trong 60 phút. Các cựu danh thủ nổi tiếng một thời của bóng đá Việt Nam như a. Trung, Cường, Thành, Bôn, Nghĩa… đã tham gia danh dự giúp cho trận đấu càng thêm chất lượng và hào hứng. Kết quả 3:0 nghiêng về đội bóng của Hội. Theo đánh giá của chuyên môn đó là trận đấu chất lượng cao, fairplay và đẹp.

Tiếp đó cuộc liên hoan giao lưu hữu nghị được tổ chức tại nhà hàng Goldmalt (vẫn do nhà hàng tài trợ). Những cốc bia tươi mát, vàng óng liên tục được chuyển ra xoa dịu đi cơn khát cháy bỏng, âm ỉ từ trận đấu. Vẫn những khuôn mặt rắn rỏi, nhưng nụ cười đã luôn thường trực trên môi cùng các câu chuyện trao đổi về đời tư, tâm sự về công việc, cuộc sống, chuyện tiếu lâm Séc sôi động dãy bàn dài. Cầu thủ trao đổi số điện thoại, hẹn nhau trong một lần tái đấu, thích thú nhắc lại các pha bóng hay, bàn thắng đẹp… để rồi cùng đứng lên hô vang dzô, dzô, dzô.

Ông bầu hai đội đồng thanh đề nghị ban tổ chức hỗ trợ để các cuộc giao lưu được thường xuyên tiếp tục định kỳ. Ông Long, Phó tổng thư ký trân trọng tiếp thu và hứa sẽ xin ý kiến ủng hộ của lãnh đạo Hội.

Ngày nghỉ cuối tuần đã bắt đầu, những ngày lễ lớn của dân tộc sắp tới, chúng tôi ra về trong niềm hào hứng cao độ. Một ngày có ý nghĩa đi qua. Chỉ đơn giản vậy thôi; một trận bóng nhưng đằng sau đó là cả sự quan tâm của Lãnh đạo Hội, nhà tổ chức, sự hỗ trợ tinh thần, vật chất của nhà tài trợ, cố gắng của mỗi thành viên, cầu thủ.

Giống như trong thể thao, tôi thiết nghĩ Hội của chúng ta cũng cần có nhiều thành viên tích cực, nhiệt thành, tình nguyện góp sức cho các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Séc thêm phong phú.

Xin nhớ Mình vì mọi người, mọi người vì mình.

(chùm ảnh bóng đá).

 

30/8 tuy là ngày nghỉ nhưng nhóm biên tập viên vẫn tập trung tại nhà anh Hưng. Rất bí mật, anh thông báo việc đi gặp gỡ, giao lưu với nhóm “Cây đại thụ” tại nhà chị Nguyễn Thị Kim Bảng một cựu lưu học sinh từ Tiệp Khắc. Sau khi qua con ngõ nhỏ khiêm tốn, đơn sơ chúng tôi thực sự ngạc nhiên lạc vào một không gian nghệ thuật hoành tráng mà theo chị Bảng giới thiệu đó là các tác phẩm nghệ thuật của cô con gái đầu Đinh Hoàng Anh, nhà toán học, nhà văn, nhà thơ. Tranh sơn dầu, áp phích giới thiệu thơ, văn treo trang trọng khắp nơi, đầy ấn tượng, bố cục thẩm mỹ… Trong sảnh phòng rộng, bên bộ salon lớn là những mái đầu bạc phơ, 12 bác. Như chủ nhân của ngôi nhà, các bác chào chúng tôi bằng tiếng Séc, tiếng Việt. Hiểu ra ngay, đây chính là những nhân vật huyền thoại thuộc lớp công dân Việt Nam đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập từ năm 1955-1956, tôi rất băn khuăn khi đáp lễ vì chắc chắn mình thuộc thế hệ con cháu rồi. May sao các bác chủ động cởi mở xưng hô anh, em làm chúng tôi nhẹ người. Vì rằng theo phong tục nước bạn, đã thân mật là “tykat” chứ không “vykat” nữa. Rất may trong số đó có anh Dương Tất Từ, một dịch giả tiếng Séc tên tuổi mà tôi rất quen nói giúp thêm nên nhóm bớt đi lúng túng.

Cuộc tọa đàm bắt đầu, không hình thức, không diễn văn, ngắn gọn. Mọi thành viên tự giới thiệu về mình. Lúc này tôi mới thấy tiếc rằng tại sao anh Hưng không cho biết kỹ để tôi có thể mang theo máy ghi âm, camera hoặc mời hẳn truyền hình đối ngoại ghi lại những hình ảnh qúi hiếm này.

Chị Hiền, anh Hưng chăm chỉ ghi chép, phỏng vấn, tôi liên tục thao tác chụp ảnh, bổ sung các câu hỏi chuẩn bị cho bài viết và ý tưởng cho một truyện ngắn nếu thành.

Là một người lớn lên và trưởng thành từ khi sang Tiệp Khắc đến giờ, tôi luôn dành cho Tiệp Khắc, những người bạn Tiệp Khắc, các thế hệ người Việt đã từng sống, lao động, học tập, công tác ở đó những tình cảm đặc biệt theo kiểu “đồng hương Tiệp Khắc”. Nếu nói là cảm động thì vẫn còn chưa đủ, diễn tả khác đi có thể bị hiểu sai là xã giao, tâng bốc… Điều ghi nhận đó chính là những người đếm theo số thứ tự từ năm tới hai chín, ba mươi này chắc chắn cao thủ, sư phụ rồi. Tôi xin nói ngay từ một đến bốn thuộc về các bậc hào kiệt, tiền nhân một thời: bác Châu, Tích, Lộc, Thanh... đã đến Tiệp Khắc từ 1952. Tự nhiên tôi thấy mình dường như nhỏ bé đi và kém cỏi, lòng bâng khuâng khó tả…

Ngày hôm nay người ta đếm đến con số sáu mươi mấy nghìn lẻ một, lẻ hai… thấy kính nể các bậc cha anh chúng ta năm xưa. Tất cả các anh chị đều đã nghỉ hưu, nhiều người đã mất, thế mà một thời họ từng đứng ở những vị trí trọng trách xây dựng đất nước này thông qua các kiến thức hiểu biết học hỏi được năm xưa. Có vậy mới thấy thêm quí trọng tình nghĩa Việt Nam – Tiệp Khắc năm xưa, CH Séc ngày nay.

Chị Bảng cùng chồng, anh Đinh Gia Tường, nguyên giáo sư, tu nghiệp tại Pháp, dạy cơ học máy ĐH bách khoa Hà Nội mời tất cả chúng tôi vào bàn tiệc. Đầy đủ dao, thìa, dĩa như Tây, tất nhiên vẫn có đũa, bát dân tộc!. Các món ăn cũng vậy, rất đậm đà phong cách châu Âu nhưng được Việt Nam hóa. Câu chuyện không vì thế mà ngắt quãng, chúng tôi phá lệ, tranh thủ tiếp tục phỏng vấn và ghi hình ảnh. Lúc này một anh đề xuất hát bài “Okolo hradce” thế là tất cả dừng lại, đồng thanh hát vang. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng hầu như không ai quên lời bài hát. Chị Hoàng Thanh Lê hát tiếp mấy bài dân ca Séc, Slovakia. Lúc này thì chúng tôi chỉ còn nước chắp tay bái phục. Giọng ca trong trẻo, lời sắc nét, rõ ràng và toàn bài khó, các anh chị khác hòa theo, phát âm tiếng Séc còn nguyên bản, chắc chắn. Càng tiếc hơn vì cái vụ máy ghi âm. Tôi cảm nhận được một điều rằng, những giọng ca này, bài hát này những kỷ niệm họ kể ra ở đây rồi sẽ mai một không còn ai biết đến nữa. Người Việt, người Séc hôm nay đâu có biết cái gọi là “người Việt Nam-Tiệp Khắc” đã được cô đọng trong từng ấy tâm hồn, đại diện bởi từng ấy con người thể hiện ra qua sự ưu việt của cả hai tính cách dân tộc. Biểu tượng người trí thức Việt Nam được đào tạo chính qui tại Tiệp Khắc. Các anh chị lưu ý rằng họ luôn mong muốn được là thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam – Séc đấy!.

Tôi ra ngoài cố gọi cho một đại diện của sứ quán CH Séc với ý định đưa bạn đến chứng kiến sự kiện. Đáng tiếc đó là ngày nghỉ nên không ai nhận điện cả…

Sau bữa ăn, bên bàn tiệc trà, hoa quả chúng tôi được nghe các anh chị kể câu chuyện về cuộc sống đời tư của các bậc tiền bối, điểm lại những người bạn học cũ ai còn ai mất, ở đâu... Xúc động và ngậm ngùi, đượm buồn man mác.

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tan, trước khi chia tay chúng tôi xin phép được chụp ảnh chung và xin địa chỉ liên lạc. Các anh chị rất thoải mái, thân mật cung cấp và cùng nhau hẹn sẽ gặp lại trong một dịp thích hợp, càng sớm càng tốt.

Ra cổng, chúng tôi không quên cảm ơn anh Tường, chị Bảng và gia đình đã nhiệt tình, chu đáo phục vụ để anh em có được cơ hội vàng này.

Buổi chiều nắng nhẹ trên đường phố, không khí mát dịu của tháng Tám, mùa Thu như tiếp thêm cảm hứng cho tôi. Mặc dù không được giao soạn phần này nhưng tôi vẫn muốn tự tâm sự, viết ra từ chiều sâu cảm súc của mình gửi tới các anh, chị những người cha chú, bậc thầy từng lần lượt cùng lớn lên, trưởng thành trên quê hương thứ hai mà chúng tôi trân trọng gọi tên Tiệp Khắc.

 

…Việt Nam ơi chùm khế ngọt của tôi

Nơi tôi sinh ra và xin chết vì người

Cùng Tiệp Khắc cả một thời trai trẻ

Tôi sống nhớ Người và chết vẫn không nguôi.

 

(chùm ảnh “Cây đại thụ”).

 

Nhóm biên tập:

Trần Minh Hiền

Nguyễn Tiến Hưng

Đỗ Ngọc Việt Dũng

Do.honza ghi nhanh


Nguồn tin: BBT Hội


Xem tin theo ngày: