Tin mới
Một vài cảm nhận từ cuộc gặp mặt một số anh, chị lưu học sinh Việt Nam đi Tiệp-Khắc các năm 1955-1956.

Ngày đăng: 08/09/2009 - 20:53:08

Mồng 1 tháng 9 năm 2009,đã qua 2 ngày kể từ cuộc gặp mặt với các anh chị cựu lưu học sinh Việt Nam tại Tiệp Khắc trước đây, tôi vẫn chưa bật lên được ý gì sáng sủa cho một bài viết. Lời hứa “viết ngay, viết hay” với nhóm BTV trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc vẫn còn đó, nóng hổi, thôi thúc tôi phải ngồi vào bàn. Nhưng khi đặt trước mặt mình tờ danh sách lưu học sinh các năm 1955-1956 do các anh chị thân tặng, tự nhiên tôi thấy mình rơi vào tâm trạng khó tả.

Ngày mai, ngày Quốc khánh 2/9. Hòa cùng không khí cả nước vui đón Tết Độc lâp và hân hoan báo công 40 năm thực hiện thắng lợi Di chúc của Bác, chắc chắn nên có một bài viết về sự đóng góp nhiều mặt của những người đã học ở Tiệp Khăc về đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhưng điều đó đòi hỏi nhiều công sức và cần thời gian. Cho nên việc tôi có thể làm lúc này là hãy ghi lại thật trung thực những gì mình nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận được từ cuộc gặp gỡ này, bởi các anh các chị đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, trẻ nhất đã 69 ( chị Hoàng Thanh Lê), còn cao tuổi nhất thì sau hai tháng nữa tròn 80 (anh Đào Văn Tranh). Với ngần ấy năm tháng của cuộc đời liên tục làm việc, cống hiến cho Quê hương, Đất nước, chắc chắn số huân chương, huy chương, bằng khen của mỗi người phải được tính bằng hai con số… Rồi chức vụ, vị trí công tác, địa vị xã hội như anh Trần Lum-nguyên Bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng, anh Bùi Trọng Quang- nguyên Giám đốc nhà máy Thủy tinh Hải Phòng ngay từ khi nhà máy mới thành lập, anh Lê Trung Ấn - nguyên Trưởng phòng kỹ thuật nhà máy cơ khí Hà Nội, con chim đầu đàn của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, chị Hoàng Thanh Lê, nguyên Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà máy  len Hải Phòng.. Tất cả các anh chị (12 người) có mặt hôm nay đều đã có những đóng góp đáng trân trọng. Vậy thì có viết cả chục trang giấy cũng không tóm tắt được hết thành tích của nhóm “cây Đa, cây Đề “ này. Hơn nữa cuộc vui gặp mặt hôm nay không phải để làm chuyện đó. Ngoài việc chính là thăm hỏi sức khỏe, xác định lại địa chỉ, thông tin liên lạc của từng người , các anh các chị còn muốn thông báo cho chúng tôi , những người làm công việc ghi chép thông tin và viết bài cho website của Hội Hữu nghị Việt Nam- Séc rằng:  Qua bao nhiêu năm xa đã Tiệp Khắc, nhưng mối liên hệ bằng hữu, bạn cùng lớp, cùng khóa, cùng năm giữa các anh các chị vẫn khăng khít, thắm thiết như hồi nào còn học tập ở bên đó và đến hôm nay, dù đã đi qua được một quãng dài của cuộc đời , được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng các anh các chị vẫn muốn làm một việc gì đó, tham gia một số hoạt động phù hợp với sức khỏe, miễn là có ích cho con cháu , cho xã hội. Biết được tâm lý người cao tuổi thường khiêm nhường, thích vui vẻ và hay viết hồi ký, tôi tranh thủ đề xuất ngay: Xin mạn phép được coi các anh, các chị như là Hội viên danh dự của Hội hữu nghị Việt Nam-Séc, là tốp học sinh Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Tiệp, chắc các anh, các chị còn nhớ nhiều kỷ niệm với thầy cô, với nhà trường và những vùng đất mà mình đã đi qua? Rồi những kiến thức học được ở Tiệp Khắc đã được các anh chị áp dụng vào thưc tế xây dựng Đất nước trong thời kỳ đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc như thế nào v.v… Nói tóm lại, nhóm Biên tập chúng em muốn đưa lên trang thông tin của Hội những bài viết , hồi ức, hồi ký và cả những tấm ảnh xưa cũ của các anh các chị để cho bạn đọc của trang web. biết thêm chút ít về cuộc sống, những năm tháng học tập và cả sự nghiệp của một thế hệ học sinh-sinh viên tiền bối đáng kính. Được ngay, tuổi chúng tớ chỉ tham gia được mức độ vậy thôi. Tinh thần vẫn tốt nhưng sức khỏe và sự nhanh nhậy với tiến bộ kỹ thuật thông tin, tin học rất hạn chế. Thông cảm nhé- Không sao, miễn là các Bác nhiệt tình viết, đề tài nào cũng được, nếu viết về mình, về những thành tích đóng góp của mình, cho xã hội thì càng hay và …Chưa để tôi nói hết ý kiến, anh Trần Lum “xin phép“ cắt ngay: Em muốn các anh các chị tự viết bài ca ngợi mình à? Làm thế coi sao được, nhưng mọi người sẽ có bài viết cho trang thông tin của Hội, gọi là có tí chút đóng góp nho nhỏ, mộc mạc chân quê thôi. Nếu các em đến tận nhà chơi, lấy bài, sửa bài hộ thì hay biết mấy. Một công đôi việc, thăm hỏi sức khỏe, nắm thêm tình hình cuộc sống của nhau, lớp cây Đa, cây Đề các anh có thêm bạn tâm sự, ôn lại vài câu hỏi giao tiếp tiếng Séc cho vui. ” Tôi thấy đề xuất của anh Trần Lum ấm áp tình người và thuyết phục quá nên nhất trí ngay và vẫn tiếp tục tranh thủ xin các anh, các chị một đề nghị cuối cùng: Liệu Trang thông tin điện tử của Hội Hữu Nghị Việt Nam-Séc có thể đăng  danh sách lưu học sinh Việt Nam học tại Tiệp Khắc các năm 1955-1956 với đầy đủ họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại gia đình được không? Bởi trong thâm tâm tôi và chắc cả nhiều người trong Hội thuộc lớp “liền em“ vẫn mong rằng: những con số trong bản danh sách này sẽ ngày càng nối tiếp và như thế tự nó sẽ nói lên được nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin và thăm hỏi cuộc sống của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân và cán bộ người Việt Nam đã từng cùng nhau gắn bó một thời thanh xuân với mảnh đất Tiệp bia ngon và nhiều kỷ niệm. Còn chúng tôi, nhóm biên tập viên nghiệp dư của Hội sẽ có rất nhiều việc để làm, để cùng chia sẻ và chung vui với mọi người. Chúng tôi cho rằng đó sẽ là hạnh phúc, là mong ước và cũng là cái đích mà chúng tôi đang nỗ lực vươn tới.

                                     

                                                       Ngày Quốc Khánh 2009

                                                           Nguyễn Tiến Hưng


Xem tin theo ngày: