Tin mới
Những kỷ niệm về Tiệp Khắc của bác Nguyễn Xuân Bảo

Ngày đăng: 02/10/2009 - 22:39:47

Một chiều thu chủ nhật, nhưng trời vẫn còn oi ả với cái nắng tháng tám rám trái bưởi, anh Hưng và tôi chờ tắt nắng mới đến khu Hào Nam, Hà Nội thăm bác Nguyễn Xuân Bảo – một trong 16 sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Tiệp Khắc học.

“Bác còn nhớ những ngày sống ở Tiệp Khắc không bác?”

“Nhớ chứ làm sao mà quyên được.” Bác cười thật hiền hậu. “Nhà tôi có lần bị mối xông, nên tôi không còn giữ được nhiều ảnh kỷ niệm.”

Bác phấn khởi và vội lên gác cầm xuống cho chúng tôi xem cuốn album toàn những ảnh chụp ở Tiệp Khắc. Tôi nhận ra ngay đó là cuốn album bác đã cất giữ từ lâu lắm rồi, nó không giống như những cuốn album ngày nay người ta thường bán. Đúng đó là cuốn album bác Bảo mang từ Tiệp Khắc về. Mỗi khi nhớ đến những người bạn cũ, nhớ đến một thời trẻ trung của mình, bác Bảo lại đem những tấm hình đó ra xem. Trên trang đầu tiên có ảnh bố mẹ nuôi người Tiệp của bác Bảo. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những bức ảnh đó luôn được gìn giữ rất cẩn thận, mỗi bức ảnh là một kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy bỗng dưng ùa về trong tâm trí người đang trò chuyện cùng chúng tôi, tôi thấy bác Bảo trẻ lại như đang sống những ngày thanh xuân, những lúc trên giảng đường, những lúc đến thăm gia đình các bạn Tiệp, những lúc đi khiêu vũ và cả những ngày nằm viện được các bác sĩ, y tá người Tiệp chăm sóc v.v...

Chàng trai người Việt lúc đó mới ngoài 20 tuổi, cái tuổi đầy sức sống và mơ ước. Bác kể về những kỷ niệm đó với một giọng xứ Nghệ trầm trầm đầy hứng khởi. Bỗng như nhớ ra điều gì, Bác Bảo vội lên gác đem xuống cho chúng tôi một cuốn sổ mà giấy đã nhuốm mầu thời gian. Trong cuốn sổ ấy bác Bảo đưa cho chúng tôi xem mấy bài báo tiếng Séc từ cuối những năm 50 bác đã cắt ra và lưu giữ đến tận bây giờ. Trong số đó có những bài viết về chuyến thăm Tiệp Khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về người con gái Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lý. Còn có cả bài báo viết về một nét văn hóa rất đẹp của người Tiệp, một nét văn hóa rất khác với ở nước mình. Bài báo mà bác Bảo lưu giữ ấy khiến tôi nhớ đến một hoạt động mà Trung ương Hội phụ nữ Tiệp Khắc đã dành cho đoàn Phụ nữ Việt Nam trong chuyến thăm tại Tiệp Khắc năm 1972, khi đó tôi có dịp đi dịch cho Đoàn. Đó chính là lễ đón chào công dân mới do UB Nhân dân phường hoặc xã tổ chức. Bác Bảo đã cất giữ rất cẩn thận.

“Đối với người khác những cái này chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với tôi là kỷ niệm của một thời trai trẻ, kỷ niệm về những con người và đất nước mà tôi không thể nào quên, những kỷ vật đó đã gắn bó với tôi trong hơn nửa thế kỷ rồi.”

Trong cuốn album chúng tôi nhìn thấy một tấm bằng chứng nhận sinh viên Nguyễn Xuân Bảo đạt giải nhất (1. cenu) trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo kỹ thuật (Soutěž technické tvořivosti mládeže) do Trường Cao đẳng Công nghiệp Đường sắt (Průmyslová škola železniční) ở Česká Třebová tổ chức năm 1959. Đang mải ngắm xem tấm bằng, chúng tôi nghe thấy:

“Ồ đây rồi” Bác Bảo nói. “Đoàn chúng tôi lên tầu đi Tiệp Khắc thứ Hai, ngày 8 tháng 8 năm 1955”

“Sao bác có thể nhớ chính xác đến như vậy?”

Bác Bảo lật từng trang sổ giấy đã ngả màu vàng và mực đã phai theo thời gian. Đó là cuốn sổ bác Bảo ghi những sự kiện quan trọng đã xảy ra trong từng năm. Tôi nhìn thấy bắt đầu từ năm 1954. Chúng tôi thán phục tính cẩn thận của bác.

Năm 1960 Bác Bảo tốt nghiệp trường “Průmyslová škola železniční”, trở về nước nhận công tác tại Tổng cục Đường sắt và làm ở đó cho tới khi về hưu. Bác đã từng là Trưởng phòng Đầu máy thuộc Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt.

“Thưa bác, từ ngày ấy đến nay Bác đã quay lại Tiệp Khắc lần nào chưa?”

“Tôi đã bỏ lỡ hai dịp sang Tiệp, vì gia đình, vì các con còn nhỏ nên đành không đi. Lúc nào nhớ Tiệp Khắc lại xem những bức ảnh này.”

Nhìn những bức ảnh năm xưa, người thanh niên xứ Nghệ năm nào giờ đã gần 80 tuổi, nhưng bác Bảo vẫn nhanh nhẹn và còn minh mẫn lắm, đôi tay của người kỹ sư ấy dường như vẫn khéo léo như xưa. Chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Xuân ở Đô Lương, Nghệ An do chính tay bác viết. Những dòng chữ tiếng Hán, tiếng Việt mà tôi cứ ngỡ như in từ trong máy tính ra. Bác Bảo tự học và tự dịch gia phả của dòng họ mình. Bác Bảo lập gia đình hơi muộn, cậu con trai giờ mới sắp cưới vợ, còn cô con gái đầu lòng định cư ở Mỹ, là thạc sĩ, bác sĩ. Vợ bác Bảo đang ở Mỹ giúp cô chăm sóc 2 con nhỏ.

Tạm biệt Bác Bảo, một trong những sinh viên Việt Nam sang Tiệp Khắc năm 1955, người mà chúng tôi không ngờ đã gìn giữ rất cẩn thận và còn giữ được nhiều kỷ niệm về đất nước và con người Tiệp Khắc đến như vậy. Chúng tôi chúc bác luôn vui khỏe và mong có dịp gặp lại.

ĐT của Bác Bảo: 04 35120357

                                                                                       Thu 2009

                                                                  Trần Minh Hiền

 


Nguồn tin: BBT


Xem tin theo ngày: