Tin mới
Câu chuyện tình yêu đầu tiên của hai sinh viên Việt Nam trên đất Tiệp Khắc

Ngày đăng: 10/10/2009 - 07:53:45

Có phải câu chuyện tình yêu của anh Bùi Trọng Quang và chị Hoàng Thanh Lê là chuyện tình đầu tiên của hai sinh viên Việt Nam trên đất nước Tiệp Khắc trước đây? Đất nước mà chúng tôi luôn coi đó là quê hương thứ hai đã góp phần nuôi dưỡng biết bao người tài giỏi cho Việt Nam và là miền đất tốt lành cho sự nẩy nở và kết trái biết bao mối tình đẹp đẽ như thế!

Được thông báo “Các anh, các chị đi Tiệp Khắc năm 1955 và 1956 sẽ gặp mặt nhân ngày 2/9 và mời chị em mình đến giao lưu…”, tôi thấy vui vui như sắp được gặp lại những người thân quen cũ của mình.

Sáng thứ Bảy, một ngày cuối tháng 8/2009, Việt Dũng, Thế Hưng và tôi hẹn nhau cùng đến dự buổi gặp mặt ấy. Lúc chúng tôi đến, trong phòng khách rất thơ mộng, rộng rãi nằm sâu trên Đường Bưởi - Hà Nội của gia đình chị Nguyễn Thị Bảng (cô nữ sinh Việt Nam đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập, nữ KS Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ở TK) đang đầy ắp tiếng nói cười, trò chuyện của những người bạn cũ cùng có một kỷ niệm chung, cùng chung một miền ký ức “Mladí už je to tam”, tuổi trẻ của họ đã qua rồi và tuổi trẻ đó đã gắn với một đất nước, một dân tộc ở trung tâm châu Âu, một đất nước không lớn, có thể nói là nhỏ, thế mà trong suốt hơn nữa thế kỷ qua đã đào tạo cho Việt Nam một số lượng lớn cán bộ thuộc mọi lĩnh vực, mọi trình độ từ những công nhân lành nghề đến tiến sĩ khoa học. Đất nước ấy là Tiệp Khắc trước kia, ngày nay là CH Séc và CH Slovakia.

Chúng tôi hòa vào niềm vui của 12 người bạn thủa ấy. Có anh đã nói: “Lần này vui quá, đông quá.” Bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi từ phía cuối dãy bàn “Em gái lại đây cho bọn anh hỏi chuyện một chút.” Tôi kịp hỏi chị Bảng và biết người gọi tôi là anh Bùi Trọng Quang. Vợ chồng anh từ Hải Phòng lên Hà Nội để gặp bạn bè cũ. Anh Quang hỏi tôi học gì và đi Tiệp Khắc năm nào. Sau vài câu tự giới thiệu về mình, tôi nói: “Em biết và nghe nói về vợ chồng anh từ lâu lắm rồi. Không ngờ hôm nay em mới vinh dự được gặp anh chị.” Anh Quang và chị Lê đều rất ngạc nhiên.

Bố mẹ chồng tôi (gia đình bác sĩ Nguyễn Đức Khởi) là bạn thân của ba mẹ chị Hoàng Thanh Lê - vợ của anh Quang – từ những năm còn ở Huế. Ngày toàn quốc Kháng chiến, tháng 12/1946 gia đình hai người bác sĩ ấy đều theo Cách mạng, rồi năm 1954 cùng về Hà Nội tiếp quản Thủ đô. Thời gian làm dâu, tôi thường theo mẹ chồng đến thăm gia đình BS Hoàng Sử. Ông thường nhắc đến cô con gái Thanh Lê với giọng trìu mến yêu thương và tự hào. Sau này, Hoàng Nguyên - cháu trai của chị Thanh Lê cũng làm nghiên cứu sinh ở CH Séc, năm học 1986-1987 Hoàng Nguyên học tiếng Séc ở lớp tôi chủ nhiệm.

Chị Lê kể: “Chị cùng 10 sinh viên Việt Nam sang Tiệp Khắc năm 1956. Tất cả đều học tiếng tại Mariánské Lázně. Tại đây khi đó còn có 6 sinh viên Việt Nam, trong đó có anh Bùi Trọng Quang, đi năm 1955, đang bổ túc văn hóa để lên học đại học. Lúc đó chị Lê mới 16 tuổi. Anh Quang được phân công giúp đỡ nhóm của chị Lê trong việc học tiếng.” Phải chăng ông trời đã xe duyên cho họ từ ngày ấy? Sau một năm cùng học ở Mariánské Lázně, chị Thanh Lê về Dvůr Králové học cao đẳng hóa, còn anh Quang cùng 3 người bạn lên Praha để học cơ khí. Lúc này đất nước lại cần có thêm những kỹ sư hóa, anh Quang xung phong sang học hóa Silicát. Đôi bạn trẻ vẫn thường xuyên trao đổi thư từ động viên, giúp đỡ nhau trong học tập. Tình yêu của họ đã nảy nở sau 3 năm kể từ ngày quen nhau ấy. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp đại học tại Tiệp Khắc, anh Quang trở về nước nhận công tác tại nhà máy Thủy tinh Hải Phòng và ngày đêm mong ngóng thời gian trôi thật nhanh để anh sớm gặp lại người con gái mà anh yêu thương đang học tiếp đại học ở Pardubice.

Mãi tận năm 1966 chị Lê mới tốt nghiệp về nước. Chị được Bộ Công nghiệp nhẹ cho phép tự chọn nơi về công tác ở ba nhà máy đang cần kỹ sư công nghệ nhuộm. Đó là Nhà máy dệt 8-3 ở Hà Nội, Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định và Nhà máy Len Hải Phòng. Cha mẹ, anh chị em đều ở Hà Nội. Chị rất muốn được sống gần người thân, muốn được làm việc ở một nhà máy có tầm cỡ lắm chứ. Nhưng có gì tha thiết hơn, mãnh liệt hơn tình yêu của chị, mối tình đầu đầy thơ mộng với bao kỷ niệm đằm thắm của thời sinh viên tươi trẻ. Chị tin vào tình yêu của mình, chị tin rằng người ấy sẽ luôn yêu thương, thủy chung, chia sẻ với chị mọi công việc trong cuộc đời này. Và chị Lê đã tự chọn về làm việc tại Nhà máy Len Hải Phòng để được gần anh Quang - người mà chị yêu thương – để cùng anh thực hiện ước mơ đời người, cho dù Nhà máy Len này chỉ lớn bằng một phân xưởng của hai nhà máy kia.

Niềm vui đến với tất cả bạn bè, người thân.Không uổng công chờ đợi của đôi trẻ, đám cưới của anh chị được tổ chức cũng chính vào năm 1966 đó. Là trai tài, gái giỏi, anh Quang và chị Lê đã đem những kiến thức học được ở Tiệp Khắc vận dụng vào thực tế. Anh Bùi Trọng Quang đã từng là Giám đốc Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng và chị Hoàng Thanh Lê, vợ của anh, đã từng là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhà máy Len Hải Phòng. Giờ đây cô nữ sinh Việt Nam mảnh dẻ, thông minh, nhanh nhẹn cùng với người chồng thân yêu của mình đã là ông bà nội của 4 cháu, hai trai, hai gái. Anh chị có 2 cậu con trai đã trưởng thành. Cậu cả được đặt tên là Bùi Hoàng Tiệp, để nhớ đến một thời sinh viên trẻ trung sôi nổi, nhớ đến một dân tộc, một đất nước, nơi bắt đầu tình yêu…

Tôi hỏi:

“Anh Quang ơi, chị Lê có phải là mối tình đầu của anh không?”.

“Mối tình đầu đấy!” Anh hình như đỏ mặt khi trả lời.

Có ai đó đã hỏi thêm: “Và đó có phải là mối tình cuối không, ông Quang? Đó mới là điều quan trọng.” Anh cười hiền lành đáp: “Cũng là tình cuối, còn yêu ai nữa đâu.” Tất cả những người nghe thấy câu trả lời ấy đều cười vui lây cùng với anh. Đôi mắt của anh Quang ánh lên niềm hạnh phúc và mãn nguyện. Chúng tôi lại nói tiếp chuyện tình yêu của những người bạn khác.

Lúc này, chị Lê đang cùng chị Bảng, chị Liễu và mấy anh đang hát những bài dân ca Séc và Sloven. Tiếng hát của chị Lê có sức cuốn hút lạ thường, nhẹ nhàng, thiết tha, đằm thắm làm sao. Tôi cứ ngỡ như đang nghe một thiếu nữ tuổi đôi mươi đang hát. Anh Việt Dũng cứ tiếc là không đem theo máy ghi âm để lưu lại tiếng hát của các anh các chị ngày hôm đó. Chị Lê nói “Mình còn dịch cả lời bát hát sang tiếng Việt.” Tôi nài nỉ chị đọc cho tôi ghi, nhưng có chỗ chị không nhớ chính xác lắm và có thể tôi cũng không ghi đúng như lời chị đọc.

Tichá voda Dunajka padala

Já jsu od šuhajka zklamaná

Však pan Buh dá, že aj on sa oklame

Já banuju aj on banovat bude

Zdal on sa této noci taky sen

Že moj najmilajší prišel sem

On položil svoje licko na moje

A začal se zpytovati co mě je

Mně nic není, ach, šohajku, bože můj

Mně bolí hlavička nad tebú

A mé srdce div, že žalem nepukne

Dřív než na tebe šohajku zapomene

 

Dunaj nước chảy lặng lờ

Riêng mình em đứng đợi chờ người thương

Ai người bội bạc giữa chừng

Trời cho ắt phải đau thương lỡ làng

Đêm khuya giấc ngủ mơ màng

Em mơ thấy bóng dáng chàng về thăm

Má kề má,

giọng thì thầm

Rằng sao em nước mắt đầm như mưa Chàng hỏi thì em xin thưa

Tim em tan nát khi chưa quên chàng

 

 

Talinský rybník

Už se ten Talinský rybník nahání

Dosahá voděnka k samému kráji

 Dosahá dosahuje

Cestičku zaplavuje

Vyjdi ty cestičko vyjdi z vody ven!

Po které jsem chodil každičký týden

Chodíval ve dne v noci

Pro tvoje modré oči

Hồ Talin nước dâng tràn

Nước dâng ngập cả

con đường anh đi.

Lối mòn ơi hiện lên đi

Cho ta đi lại

mỗi khi thăm nàng.

Trong đêm đen, giữa nắng vàng

Anh luôn mơ tưởng tới nằng mắt xanh.

 

Kdybych byla jahodu

Bílým kvítkem v háji

Věru bych rozkvětala

Každým rokem v máji

A tak bych zavonila

Širej po dolině

Aby vůňa šohajka

Tahla k mej dědině

Kdyby prišel po cestný

a měl lícka hladká

K němu bych sa sklonila

jak jahoda slladká

...........................

Giá là hoa dâu trắng

Trên triền đồi cỏ xanh

Em sẽ nở trung thành

Mỗi mùa xuân chói nắng

Và em tỏa ngát hương

Dâng ngập tràn thung lũng

Để lôi cuốn người thương

Về nơi em – bãi trũng

Giá có một ngày nào

Một du khách thanh tao

Theo ánh những vì sao

Lưu lạc vào thung lũng

Như trái dâu đỏ ửng

Trên triền đồi cỏ xanh

Như dâu đỏ ngọt lành

Em nghiêng mình chào đón.

 

Vài ngày sau, anh Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, có gọi điện cho tôi và cứ tiếc mãi là không gặp được chị Lê. Anh Điều nói „Chị Lê là đơn vị trưởng đơn vị Hóa ở Pardubice của anh. Chị Lê học giỏi lắm, thông minh lắm, các thày cô giáo Tiệp Khắc luôn khen ngợi chị. Không những vậy chị rất xinh, duyên dáng và hát rất hay. Chị Lê là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận bằng đỏ ở Pardubice.“

Chia tay với các anh chị, những lớp người đầu tiên sang Tiệp Khắc, những con người đã say mê trong học tập và nghiên cứu, những sinh viên Việt Nam đầu tiên đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong suy nghĩ của các thày cô giáo, bạn bè và nhân dân Tiệp Khắc, những người đầu tiên mang những kiến thức khoa học của Tiệp Khắc về Việt Nam, những con người đã đóng góp không ít công sức của mình trong công cuộc xây dựng đất nước để ngày nay chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.Chúng tôi có cảm giác thật khó viết thành lời, nhưng cả 3 chúng tôi đều tin rằng sẽ sớm gặp lại các anh các chị.

Nhìn anh Quang và chị Lê lên xe ô tô trở về Hải Phòng, đôi bạn trẻ ngày nào giờ đây tóc đã gần bạc trắng với nụ cười hiền hậu và mãn nguyện. Tình yêu có lúc đằm thắm, có lúc giận hờn, có lúc bão giông. Xin hãy vững tin ở tình yêu. Sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi thầm chúc cho tất cả mọi gia đình sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, đầm ấm bên nhau trọn nghĩa vẹn tình đến „đầu bạc răng long“. Đất nước và bè bạn có nhiều đổi thay nhưng dường như tình yêu của anh Quang và chị Lê vẫn sâu đậm như thủa ban đầu. Tôi tự hỏi có phải câu chuyện tình yêu của anh Bùi Trọng Quang và chị Hoàng Thanh Lê là chuyện tình đầu tiên của hai sinh viên Việt Nam trên đất Tiệp Khắc không? Đất nước mà chúng tôi luôn coi đó là quê hương thứ hai, một đất nước bè bạn yên bình đã góp phần nuôi dưỡng biết bao người tài giỏi cho Việt Nam và biết bao mối tình đẹp như thế!

ĐT của chị Hoàng Thanh Lê: 031 3836165

                                                                                                                  Thu 2009

                                                                                                             Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: