Tin mới
ÔNG GIÁO CHỦ NHIỆM

Ngày đăng: 19/07/2020 - 00:00:00

BBT xin giới thiệu với bạn đọc kỷ niệm về thầy giáo chủ nhiệm người Tiệp của anh Nguyễn Dũng Giang, một học sinh học nghề tại Trường nghề Kỹ thuật điện MEZ Frenštát pod Rahoštěm. Anh sang Tiệp Khắc tháng 3 năm 1982. Từ 1988 đến 1991 làm đội trưởng, phiên dịch cho đoàn thực tập sinh, học sinh học nghề, vừa học vừa làm ở TESLA Rožnov. Có thời gian làm cán bộ tổ chức vùng Bắc Morava (vùng 17). Hiện nay anh đang công tác tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh họa. (nguồn : Internet)
Tôi sang Tiệp năm 1982 theo diện học sinh học nghề. Hơn ba năm học ở Trường nghề kỹ thuật điện (SOU MEZ Frenštát pod Radhoštěm), kỷ niệm lớn nhất, sâu sắc nhất là về ông giáo chủ nhiệm Hrachový và lần ông đích thân dẫn lớp đi tham quan Praha. Thật là một chuyến đi ấn tượng, những ước muốn được tìm hiểu về thành phố này và những di sản bất tử của thành phố có lẽ bắt đầu từ chuyến đi này.
 
Thầy Milan Hrachový là giáo viên dậy thể dục. Ông có cô con gái tên là Marie Hrachová, vận động viên bóng bàn số 1 châu Âu thời đấy.
 
Năm học nghề thứ hai, có lẽ gần đến kỳ nghỉ hè, ông hỏi lớp: “Các cậu đã đến Praha chưa?”. Cả bọn nhìn nhau, người ít thì đến thì cũng có một lần, nhiều thì vài ba lần. “Đó là thủ đô của chúng tôi và là thành phố rất đẹp”. “Nếu các cậu chưa đến đó, tôi sẽ làm hướng dẫn viên”. Cả lớp bàn nhau, thôi thì cũng là một chuyến thăm quan. Đi thôi!
 
Ông giáo chủ động đặt một khách sạn nhỏ ở cạnh quảng trường nhỏ ở khu Malá Strana cho anh em nghỉ. Ngày đi chơi, tối về nghỉ. “Ta sẽ dành nhiều thời gian để đi chơi, tôi muốn các cậu biết thật nhiều về Praha”. Sợ anh em lạc, ông huơ cái còi “Các cậu chú ý nghe còi của tôi nhé, như khi tập thể dục vậy”. Nói vậy chứ anh em bám sát, ông chả phải thổi lần nào. 
 
Lên tàu điện ngầm, ông chỉ cho anh em xem trên bản đồ các tuyến metro, kể đôi chút về quá trình xây dựng và bảo: “Ta sẽ khám phá hết các tuyến. Giờ lên Václavák trước.” 
 
Ông dẫn bọn tôi đi xem Muzeum nhưng anh em có vẻ không thích thú lắm. Thôi, lên Quảng trường. Lần đầu tiên tôi được biết và nghe chuyện về thánh Václav, thánh bảo trợ cho dân tộc Séc và Morava. Đó là một nhân vật có lẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với dân tộc Séc, tuy thời gian trị vì ngắn (khoảng 10 năm) nhưng ông là người có công xây dựng thành phố Praha tráng lệ, thành phố với những di sản còn lại như Cầu Karlův, Hradčany…Tiếc là ông bị giết hại bởi chính người em trai của mình khi còn rất trẻ (28 tuổi ). Cái quảng trường mang tên ông được lập sau cả gần ngàn năm, vốn là cái chợ bán ngựa. Kể vài ba câu chuyện, ông dẫn cả bọn đến góc Quảng trường, ở đây có bán loại párek nướng mà ông giới thiệu là ngon nhất Československo. Rồi ông dẫn anh em sang Quảng trường Phố cũ tham quan cái Đồng hồ thiên văn. Không đủ tiếng để nghe ông kể, nhưng tối đó tại chỗ tiếp khách ở hành lang khách sạn, ông và bà nhân viên trực tầng có kể lại mẩu chuyện về người thợ cả đã làm ra cái đồng hồ này. Ông thợ này bỏ ra cả chục năm để thiết kế, lắp đặt. Chỉ vì người ta không muốn ông làm ra cái thứ hai nên đã chọc mù mắt ông.
 
Thầy Milan Hrachový còn dẫn anh em đi thăm cầu Karlův most, Hradčany, Národní divadlo…Ông chỉ vào Dinh Tổng thống (lúc đó là nơi làm việc của Chủ tịch nước) và bảo: “Nhìn đỉnh cột cờ sẽ thấy biểu tượng, khi nào cờ được treo lên nghĩa là Tổng thống có nhà.” Tiếc là hồi đó người ta không cho vào thăm. Ông còn dẫn anh em đi ngang Nhà hát quốc gia có cái mái mạ vàng. Danh xưng “Praha, thành phố trăm ngọn tháp” (Praha stověžatá) mình nghe được lần đầu là từ Ông. 
 
Thật ngạc nhiên, một ông thầy dạy môn thể chất mà lại có những am hiểu sâu về thành phố thủ đô. Thật ngưỡng mộ. Giờ vẫn thầm cảm ơn ông vì chuyến đi đó. Nhờ có chuyến đi mà lần đầu mình biết được nhiều điều thú vị về Praha. Sau này, hầu như tháng nào cũng lên Praha, lần nào cũng gợi cũng nhớ đến Ông.
 
Kết thúc ba năm học, bọn mình có tổ chức chia tay thầy Milan Hrachový. Ông còn mua cho mỗi thằng một món quà nho nhỏ. Riêng tôi, tôi đã xin ông tặng cho cái còi nhựa màu xanh đã vẹt hết cả mỏ mà ông đang dùng. Ông ngần ngừ rồi tháo tặng mình cả dây đeo. Ông bảo: “Tôi đã dùng nó hơn 20 năm, mong cậu giữ nó được lâu”. Tiếc là sau này, mình để trẻ con làm vỡ mất. Thật có lỗi với ông. 
 
Sau Cách mạng nhung, thấy ông thuê lại một tòa nhà ngay gần chỗ mình ở và treo biển đào tạo nhân lực quản lý. 
 
Gần ba mươi năm rồi, không biết nơi ấy Ông còn hay mất...

Nguồn tin: BBT


Các tin khác:
Xem tin theo ngày: